Việt Nam, Pháp và những hợp tác đặc biệt trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa

 08:59 | Thứ tư, 12/06/2024  0
Bên cạnh lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản kiến trúc mang phong cách Đông Dương được đặt trong mối quan tâm đặc biệt giữa hai quốc gia Việt Nam – Pháp, và giữa hai đơn vị hành chính Hà Nội – Vùng Ile–de–France.

Hợp tác nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh của di sản kiến trúc

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã phối hợp với các trường đại học, tổ chức giáo dục từ Pháp, Lào và Campuchia tổ chức chuỗi sự kiện liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và hành nghề kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan bằng tiếng Pháp ở Đông Nam Á kéo dài từ ngày 6-9.6 vừa qua.

Chuỗi sự kiện hướng tới các hoạt động như chia sẻ thành tựu đổi mới sáng tạo trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai thực tế về kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan ở Đông Nam Á; đồng thời, kết nối mạng lưới chuyên gia kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan trong khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển mạng lưới này gắn kết với thế giới,… Điểm nhấn của toàn bộ chuỗi sự kiện nằm ở Hội thảo Liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và hành nghề Kiến trúc, Quy hoạch và Cảnh quan bằng tiếng Pháp ở Đông Nam Á tổ chức tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm.

TS. Emmanuel Cerise phát biểu tại hội thảo.


Nổi bật trong các tham luận là ý kiến của TS. Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Ile–de–France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam. Chia sẻ tại hội thảo, TS. Cerise nhấn mạnh về vai trò của di sản kiến trúc Pháp – Đông Dương đóng một thành tố quan trọng trong hệ thống các di sản văn hóa của Việt Nam. Đây là thành quả cho sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ của hai quốc gia. Chính vì vậy, việc bảo tồn di sản được đặt trong mối quan tâm rất lớn từ phía Pháp. Mỗi công trình cần được đánh giá chỉn chu, để đưa ra phương thức tiến hành khác nhau.

“Mối quan hệ giữa Hà Nội và vùng Ile-de-France đã phát triển qua nhiều năm, cho thấy tính hiệu quả cao, là hình mẫu hợp tác giữa các địa phương. Hai bên đều khai thác được thế mạnh của nhau để mang lại lợi ích bổ sung trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa đến xã hội”, ông Emmanuel Cerise nhấn mạnh.

Triển vọng trong mối hợp tác

Những năm trước đây, di sản liên quan tới tài liệu lưu trữ ít được người ta chú ý tới. Thế nhưng, đại diện vùng Ile-de-France tại Hà Nội đã khéo léo lồng ghép những tài liệu đó vào trong một triển lãm ảnh có tên Hanoi 2013.

Triển lãm diễn ra cách đây hơn 10 năm trước đã giới thiệu tới công chúng Thủ đô rất nhiều bức ảnh có giá trị được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Pháp Leon Busy. Các bức ảnh phần lớn đều có liên quan tới kỹ thuật xây dựng. Nhờ đó, khơi gợi trong mối quan tâm của khán giả tới thưởng lãm hướng tới di sản tư liệu ký ức nhiều hơn.

Bức ảnh phố Hàng Thiếc được chụp bởi Leon Busy vào năm 1903, trưng bày tại triển lãm Hanoi 2013. Ảnh: Flickr


Bắt tay vào trùng tu di sản văn hóa, dự án đầu tiên được phía chuyên gia Pháp lựa chọn thực hiện là tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). TS. Cerise chia sẻ, làng cổ Đường Lâm là một trong những điển hình cho kiểu mẫu nông thôn truyền thống ở đồng bằng Bắc bộ. Nơi đây không chỉ lưu giữ được nhiều kiến trúc cộng đồng, nếp nhà truyền thống, mà còn có lợi thế kết nối với khu vực Hoàng thành. Chính vì vậy, đội ngũ chuyên gia Pháp khi tôn tạo cảnh quan làng mạc đã cải tạo trục đường giao thông chính trong làng. Từ đó, hỗ trợ tăng cường giá trị di sản văn hóa cho khu vực xung quanh Hoàng thành.

Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết nối với nội thành Hà Nội. Ảnh: Minh Anh/VGP


Dự án nhận được nhiều sự quan tâm cũng như nhiều tranh cãi nhất trong thời gian gần đây là dự án bảo tồn biệt thự ở số 49 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Trước khi tiến hành trùng tu, đội ngũ chuyên gia Pháp đã đánh giá rất kỹ lưỡng hiện trạng của công trình, đồng thời, đối sánh với các tư liệu hình ảnh chụp ngôi nhà cách đây cả thế kỷ.

Trong quá trình đánh giá hiện trạng, các chuyên gia tìm thấy dấu vết của vôi và rơm trên trần nhà. Như vậy có thể thấy, trước đây ở Việt Nam không sử dụng kỹ thuật xây dựng trần thạch cao, bởi không phù hợp với điều kiện thời tiết. Bởi điều kiện khí hậu ở nước ta có độ ẩm cao, chính vì vậy độ ẩm hay hơi nước xâm nhập từ bề mặt tấm thạch cao kích thích các vi khuẩn nấm mốc sinh sôi nảy nở.

Hiện trạng biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) sau khi được trùng tu. Ảnh Nguyễn Trường/báo Thanh Niên.


Trong quá trình trùng tu kiến trúc biệt thự cổ, kỹ thuật đáng được lưu tâm nhất trong suốt quá trình là chính là liên quan tới trần nhà - trần vôi rơm. Trần nhà có màu trắng và nhẵn mịn được làm bằng hỗn hợp vôi rơm tắt lên lati được cố định bằng các dầm gỗ. Các thanh dầm đều được gối vào đầu bờ tường. Kỹ thuật này tương tự như ở Pháp, nhưng ở đây, hỗn hợp vôi và rơm thay thế cho thạch cao truyền thống ở Pháp, bởi sẽ có tác dụng chống ẩm hiệu quả hơn trong điều kiện khí hậu có độ âm cao tại Hà Nội.

Tuy nhiên, sau khi được trùng tu, vấn đề đặt ra đối với mỗi di sản văn hóa là phải quản lý làm sao, để di sản ấy có thể phát huy tốt giá trị của chúng. Đã nửa năm biệt thự cổ đi vào hoạt động, mở cửa chào đón khách tham quan. Nhiều triển lãm ảnh, tác phẩm nghệ thuật cũng được sắp đặt trong không gian này.

Vấn đề này cũng được Trường Đại học Kiến trúc đặc biệt quan tâm và xem xét đưa vào chương trình đào tạo. Xét thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, không chỉ thúc đẩy hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa, mà hơn thế nữa, còn thể hiện sự trân trọng của thành quả hợp tác của cả hai phía Hà Nội và Vùng Ile–de–France.

Đoan Túc

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.