Xem xét tái lập bùng binh Chợ Bến Thành với tượng Trần Nguyên Hãn, tượng Quách Thị Trang

 23:29 | Thứ ba, 31/05/2022  0
UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc trước ngày 15.7 có phương án đề xuất quy hoạch xây dựng lại bùng binh trước Chợ Bến Thành, cần thiết di dời tượng Trần Nguyên Hãn về vị trí cũ và thêm phương án đặt tượng Quách Thị Trang…

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản số 370 ngày 30.5 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về công tác thiết kế cảnh quan và tái lập tuyến đường Lê Lợi; ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành; công tác cải tạo chỉnh trang Chợ Bến Thành.

Khu vực bùng binh trước Chợ Bến Thành với tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang. Năm 2014 để thực hiện dự án xây dựng nhà ga Bến Thành, thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP.HCM có chủ trương di dời tượng Trần Nguyên Hãn về công viên Phú Lâm và tượng Quách Thị Trang về công viên Bách Tùng Diệp. Việc di dời thực hiện ngày 18.2.2017. Ảnh: T.A.T


Thông báo cho biết sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các thành viên tham dự cuộc họp ngày 19.5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kết luận:

Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì đề xuất thành lập tổ công tác gồm Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý đường sắt đô thị, UBND Quận 1 để tổng hợp các ý tưởng tối ưu nhất từ các cuộc thi về ý tưởng phát triển quy hoạch không gian đô thị khu vực trung tâm thành phố, định hướng phát triển giao thông, bến bãi đậu xe, các trung tâm thương mại ngầm; 

Xác định nghĩa vụ tài chính đối với không gian ngầm khi giao cho nhà đầu tư khai thác vào các mục đích thương mại, đậu xe.., đề xuất hình thức kêu gọi đầu tư, nguồn vốn đầu tư, kế hoạch thực hiện, phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng… 

Trên cơ sở đó, làm việc với đơn vị tư vấn để nghiên cứu đề xuất phương án định hướng thiết kế đô thị tổng thể khu vực trung tâm thành phố tại các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, công viên 23/9, khu vực nhà ga Bến Thành, Chợ Bến Thành (bao gồm định hướng phát triển giao thông, quy hoạch xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm).

“Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử văn hóa, kế thừa các nghiên cứu quy hoạch trước đây và việc phân luồng giao thông tại khu vực trung tâm thành phố để đề xuất tái lập nút giao thông tại giao lộ đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi, đề xuất phương án quy hoạch xây dựng lại bùng binh trước Chợ Bến Thành.

Theo đó, cần thiết di dời tượng Trần Nguyên Hãn về vị trí cũ, đề xuất thêm phương án làm mới tượng Trần Nguyên Hãn bằng chất liệu bền vững hơn, nghiên cứu tỷ lệ kích thước bệ tượng và tượng cho phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước Chợ Bến Thành. Nghiên cứu đề xuất thêm phương án đặt tượng Quách Thị Trang hiện đang đặt tại công viên Bách Tùng Diệp, Quận 1. Báo cáo đề xuất trình UBND thành phố trước ngày 15.7.2022”, thông báo cho biết.

Chợ Bến Thành sẽ được xem xét phương án nâng mái, vươn mái để lấy sáng, tạo thông thoáng và lợp mái ngói thay thế tôn giả ngói; Nâng cao độ cốt nền chợ… Ảnh: Hải Long


Về việc cải tạo chỉnh trang Chợ Bến Thành, Chủ tịch UBND TP.HCM cơ bản thống nhất với phương án 3 - trùng tu cải tạo Chợ Bến Thành dựa trên hiện trạng theo đề xuất của Công ty TA Landscape (đơn vị tư vấn thiết kế). Hình thức kiến trúc mang tính biểu tượng là tháp đồng hồ và bốn cổng chính (Đông, Tây, Nam, Bắc) cần được trùng tu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật.

Phương án nâng mái, vươn mái để lấy sáng, tạo thông thoáng và lợp mái ngói thay thế tôn giả ngói phải tính toán đảm bảo an toàn cho hệ kết cấu chịu lực của Chợ Bến Thành. Việc nâng cao độ cốt nền chợ cần đồng bộ với hạ tầng xung quanh và hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc của Chợ Bến Thành.

UBND Quận 1 chủ trì, làm việc với Sở Công thương, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý Chợ Bến Thành và Công ty TA.Landscape Architecture để trao đổi thống nhất, tổ chức lấy ý kiến của tiểu thương về phương án thiết kế mặt bằng tổng thể và bố trí các gian hàng trong Chợ Bến Thành, đảm bảo quyền lợi cho tiểu thương.

Sau khi lấy ý kiến thống nhất, UBND Quận 1 phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và đơn vị tư vấn hoàn chỉnh lại phương án thiết kế tổng mặt bằng các gian hàng và tổ chức công bố công khai minh bạch để tiểu thương có thông tin và ủng hộ chủ trương cải tạo chỉnh trang Chợ Bến Thành, hoàn thành trong tháng 7.2022.

Sở Tài chính chủ trì, làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND Quận 1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý Chợ Bến Thành để đề xuất phương án tài chính cải tạo chỉnh trang Chợ Bến Thành, trong đó xác định rõ nội dung nào sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nội dung nào sẽ có kế hoạch thực hiện vốn xã hội hóa, trình UBND TP.HCM xem xét quyết định trong tháng 6.2022.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp là chủ đầu tư thực hiện công tác cải tạo chỉnh trang Chợ Bến Thành, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành việc cải tạo chỉnh trang Chợ Bến Thành đồng thời với thời điểm khánh thành tuyến metro số 1...

Đối với việc lát vỉa hè tái lập tuyến đường Lê Lợi, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Ban Quản lý đường sắt đô thị phối hợp với các đơn vị liên quan bàn giao cho UBND Quận 1 các đoạn đường đã tái lập để thực hiện công tác lát vỉa hè tuyến đường Lê Lợi. 

UBND Quận 1 làm chủ đầu tư thực hiện công tác lát vỉa hè tái lập tuyến đường Lê Lợi. Sở Tài chính xem xét hướng dẫn UBND Quận 1 dùng nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác lát vỉa hè tái lập tuyến đường Lê Lợi theo quy định...

Hoàng Khải

Liên quan đến chỉ đạo ngày 30.5.2022 của UBND TP.HCM về việc xem xét tái lập khu vực bùng binh trước Chợ Bến Thành với tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang, từ năm 2018, Người Đô Thị đã đăng tải nhiều bài viết của tác giả Phúc Tiến nhận diện những giá trị di sản, lịch sử của khu vực Chợ Bến Thành và đề nghị tại khu vực quảng trường trước Chợ Bến Thành cần  kiên quyết dựng lại tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang:

- Công viên quảng trường trước cửa Bắc của Chợ Bến Thành vào những năm 1940-1950 là chợ hoa Tết của Sài Gòn, trước khi dời về đường Nguyễn Huệ. Quảng trường thời Pháp mang tên Cuniac - một thị trưởng của Sài Gòn, sau năm 1955 đổi tên Diên Hồng.

Vào tháng 3.1950, một cuộc biểu tình lớn chống thực dân đế quốc đã diễn ra trước cổng Chợ. Vào cuối năm 1963, sau khi xảy ra sự kiện cô Quách Thị Trang bị bắn chết trong một cuộc biểu tình chống độc tài diễn ra tại đây, quảng trường được mang tên nữ sinh này. Từ năm 1966, công viên quảng trường có thêm tượng đài tướng Trần Nguyên Hãn - anh hùng chống quân Minh, tô điểm thêm nét lịch sử, hài hòa với khung cảnh thương mại... (Xem tại đây).

- Đề nghị Nhà nước công nhận không chỉ Chợ Bến Thành mà toàn bộ các khu phố chung quanh và quảng trường Quách Thị Trang là khu phố di sản văn hóa - lịch sử! Các nhà quy hoạch, các nhà đầu tư thay vì đập bỏ ký ức vàng của quá khứ, thay vì “sáng tạo” những khối nhà bê tông và sắt thép nặng nề hay hào nhoáng, hãy dành con tim và khối óc cho việc khám phá, giữ gìn và phát huy di sản hay đẹp của tiền nhân ngay trên vùng đất xưa thiêng liêng này... (Xem tại đây)

- Riêng công viên Quách Thị Trang, tượng đài Trần Nguyên Hãn cùng cây xanh và các công trình công cộng quanh các nhà ga metro, cầu trên bộ, cầu qua sông và kênh rạch, rất cần được tái lập hoặc tôn tạo, một cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại... Sau khi hoàn tất nhà ga metro, ở khu vực quảng trường phía trước Chợ Bến Thành, cần kiên quyết dựng lại tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang... (Xem tại đây)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.