Chiếu sáng: không chỉ vì sức khoẻ cộng đồng mà còn phải bảo vệ môi trường

 23:02 | Thứ ba, 14/06/2022  0
Chiếu sáng vì sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường hướng tới phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam - là chủ đề của Hội nghị khoa học Chiếu sáng toàn quốc năm nay. Đây là Hội nghị thường niên và được tổ chức tại Hà Nội với sự phối hợp tổ chức của Hội Chiếu sáng Việt Nam, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng).

Hội nghị lần này nhằm mục đích từng bước thực hiện thoả thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Việt Nam hướng tới chiếu sáng thông minh

Phát biểu mở đầu Hội nghị, PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, nhận định chiếu sáng thông minh tiết kiệm năng lượng là một trong những cơ cấu của đô thị thông minh. Chiếu sáng thông minh đòi hỏi nhà đầu tư, người sử dụng thông minh, người thiết kế thông minh, người quản lý đô thị thông minh. Đặc biệt là các là các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thiết bị chiếu sáng thông minh. Nếu thiếu một trong bốn thành phần này thì không thể có chiếu sáng thông minh.

Theo bà Hyunjung Lee, Giám đốc dự án Chiếu sáng thông minh và hiệu quả tại Việt Nam (Ngân hàng ADB), để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trong tương lai thì việc giảm phát thải nhà kính sẽ là cách hiệu quả nhất. Trong phần phát biểu của mình, bà cũng nêu rằng, các thiết bị chiếu sáng ở Việt Nam được xác định là tiêu tốn năng lượng đứng thứ hai so với các thiết bị khác.

Quang cảnh buổi Hội nghị khoa học Chiếu sáng toàn quốc.


Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, PGS-TS. Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), chia sẻ hiện nay có nhiều thay đổi trong hệ thống văn bản pháp luật có liên quan trong lĩnh vực chiếu sáng. Cùng với thay đổi đó thì những yếu tố mới, bối cảnh mới, công nghệ mới cũng đã và đang tác động trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề chiếu sáng.

Theo bà Hương, là đơn vị với chức năng về quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cũng đang thực hiện rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật và các chính sách làm công cụ để thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật nói chung và lĩnh vực chiếu sáng nói riêng để đảm bảo mục tiêu hướng tới ngày càng phục vụ tốt hơn cho cộng đồng, cho dân cư và đồng thời với việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cũng nhấn mạnh, thời gian tới tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật, nghiên cứu sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật định hướng phát triển chiếu sáng Việt Nam, hoàn thiện cơ chế chính sách, điều chỉnh các chỉ tiêu quy chuẩn tiêu chuẩn định mức định giá nhằm thúc đẩy chiếu sáng thông minh và vấn đề tiết kiệm năng lượng phù hợp với thực tiễn.

Chiếu sáng vì con người

PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến nêu thực trạng, rằng: “Sử dụng ánh sáng trang trí quá mức, lạm dụng ánh sáng thiếu kiểm soát tại các toà nhà cao tầng, các trung tâm thương mại dịch vụ, các tấm biển quảng cáo, tại các khu vực công cộng hoặc ngay trên đường phố… khiến cho bầu trời ban đêm quá sáng, mang lại cảm giác khó chịu và chói mắt, nhiễu loạn thị giác làm cho khả năng phân biệt các thông tin quan trọng bị giảm sút dẫn đến tại nạn, mất an ninh, an toàn, lãng phí điện năng, nguy cơ cháy nổ…”.

Đại biểu tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm và giải pháp chiếu sáng thông minh bên ngoài Hội nghị.


Theo Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam ngoài ánh sáng mặt trời thì nhiều thiết bị như đèn LED, tivi, điện thoại… cũng có thể tạo ra ánh sáng xanh. Lượng ánh sáng xanh mà các thiết bị điện tử phát tra chỉ là một phần nhỏ so với ánh sáng từ mặt trời, nhưng lượng thời gian mọi người sử dụng các thiệt bị này và khoảng cách giữa màn hình với mặt của người dùng khiến nhiều bác sỹ lo ngại về những ảnh hưởng lâu dài của ánh sáng xanh đối với sức khoẻ.

Chia sẻ góc nhìn này, ông Ngô Văn Quyền (Hội Chiếu sáng Việt Nam), cũng đã có những phân tích, dẫn chứng về tác động của ánh sáng đến sức khoẻ con người. Theo ông Quyền nhận định, áng sáng nhân tạo không chỉ phục vụ cho hoạt động thị giác và tác động đến sức khoẻ thị giác mà còn có ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần và sức khoẻ nói chung.

Ông Quyền nêu con số dẫn chứng về tác động của ánh sáng đến sức khoẻ thị giác, trong đó chủ yếu là bệnh cận thị học đường: “Theo báo cáo năm 2016 của Tổ chức Phòng ngừa mù loà quốc tế IAPB, vào năm 2010 đã có khoảng 28% dân số thế giới bị cận thị, với tốc độ tiến triển như hiện nay con số này sẽ đạt khoảng 50% vào năm 2050”. Hay khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh hơn vào ban đêm sẽ giảm lượng melatonin gây cảm giác đói vì melatonin giúp tránh khỏi cơn đói, lượng insulin sản xuất ra cũng ít hơn. Khi đó cơ thể sẽ đốt cháy ít calo, thay vào đó lại lưu trữ chúng dưới dạng chất béo làm tăng nguy cơ béo phì và mặc bệnh tiểu đường. Melatonin cũng là một chất chống ung thư, các tế bào ung thư thường tăng sinh về ban đêm, lượng melatonin nhiều ban đêm có vai trò ức chế sự phát triển này. Vì vậy khi chu kỳ sản sinh melatonin bị phá vỡ nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn.

Theo ông Quyền thì cơ thể con người luôn có xu hướng bảo vệ đồng hồ sinh học của mình. Mọi hoạt động gây rối loạn đồng hồ sinh học mà trong đó chiếu sáng là yếu tố rất quan trọng sẽ dẫn tới các phản ứng sinh lý, sinh hoá bất thường, sau đó gây ra nhiều ảnh hưởng xấu lên sức khoẻ. Để đảm bảo sức khoẻ tốt, điều quan trọng là những nhịp điệu này không bị gián đoạn. Khi đó chiếu sáng nhân tạo cần tăng cường ánh sáng có nhiều thành phần phổ màu xanh vào buổi sáng và tăng thành phần phổ màu đỏ vào buổi chiều giúp ổn định nhịp sinh học. Đối với chiếu sáng ngoài nhà và đường phố về ban đêm, ngoài việc bảo đảm các yêu cầu về độ sáng cho hoạt động thị giác, không gây chói loá, cần quan tâm đến phổ ánh sáng của các đèn.

Theo các nhà khoa học, chiếu sáng ngoài nhà không nên sử dụng các đèn có nhiều thành phần ánh sáng xanh về ban đêm, chỉ nên sử dụng các đèn có nhiệt độ màu trong khoảng 3000K đế 4000K. “Để bảo đảm ánh sáng tốt cho hoạt động thị giác, nâng cao hiệu quả lao động và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, hệ thống chiếu sáng nhân tạo cần có khả năng điều chỉnh được về độ sáng và phổ ánh sáng theo thời gian trong ngày. Chiếu sáng nhân tạo càng gần với ánh sáng tự nhiên càng tốt”, ông Quyền kết luận.

Một thuật ngữ được nhắc tới tại Hội nghị đó là Human Centric Lighting – Chiếu sáng lấy con người làm trung tâm (gọi tắt là HCL). Đây là thuật ngữ mà theo PGS. Lê Văn Doanh (Trung tâm R&D Rạng Đông) thì thực chất là công nghệ chiếu sáng thông minh nhưng với mục tiêu không chỉ thoả mãn đời sống vật chất mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần và sức khoẻ con người.

Giới thiệu các sản phẩm và giải pháp chiếu sáng thông minh bên ngoài Hội nghị.


Để thiết lập hệ thống chiếu sáng lấy con người làm trung tâm, theo PGS. Lê Văn Doanh thì HCL thường thực hiện qua năm bước: 1-Tìm hiểu các đặc tính của đối tượng được chiếu sáng; 2- xác định chu trình hoạt động của các cá nhân trong môi trường chiếu sáng; 3 – Xác định nhu cầu làm việc, nghỉ ngơi, ngủ của người lao động; 4 – Tìm hiểu yêu cầu về chiếu sáng qua các chỉ dẫn của các Hội chuyên ngành về Chiếu sáng, Kiến trúc – Xây dựng, Y tế, Khí hậu; 5 – Tích hợp các yêu cầu thiết kế vào bản thiết kế chiếu sáng thông minh lấy con người làm trung tâm.

Thu gom, xử lý các vật tư, thiết bị và sản phẩm chiếu sáng thải bỏ cũng là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội nghị. Thu gom, phân loại ra sao, tái chế, tái sử dụng như thế nào, công nghệ xử lý nào sẽ được áp dụng cần có nhũng giải pháp thật cụ thể. Theo ông Hoàng Tuấn Dũng (Đại học Quốc gia Hà Nội), thì mặc dù có tuổi thọ truyền dài lâu, nhưng các sản phẩm chiếu sáng, đặc biệt là đèn LED có thể dự đoán được thời gian sử dụng. Tuy nhiên, giống như các sản phẩm điện tử tích hợp cao khác, việc tái chế các sản phẩm điện tử không phải là nhiệm vụ đơn giản. Và theo ông Hoàng Tuấn Dũng, việc tái chế cho phép tái sử dụng thuỷ tinh, kim loại và các vật liệu khác. Hầu như tất các thành phần của đèn đều có thể được tái chế. Với đèn huỳnh quang compact có chứa một lượng nhỏ thuỷ ngân. Việc tái chế ngăn chặn được phát tán thuỷ ngân ra môi trường. Đèn LED cũng chứa các chất độc hại. Vì vậy việc tái chế vô cùng quan trọng.

Lệ Quyên ghi

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.