1.
Hiện nay, cả nước đang rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Một nhà khoa học ngành lâm nghiệp đang tham gia quá trình này ở nhiều tỉnh thành đã thốt lên: “Chúng ta cần nhìn thẳng và chấp nhận sự thật là diện tích rừng hiện không còn bao nhiêu!”.
Ông cho biết thực tế có những tỉnh sau khi rà soát, diện tích rừng được gọi đúng khái niệm rừng(*) chỉ còn khoảng 1/3 diện tích so với con số báo cáo. Nhiều diện tích đất rừng từ lâu người dân đã làm rẫy, xâm canh, trồng hoa màu, cây công nghiệp… Thậm chí, có tỉnh để đạt được mục tiêu độ che phủ rừng đề ra của địa phương mà lấy cả diện tích rừng ngoài quy hoạch, tức đất nông nghiệp đang trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như keo lá tràm của người dân đưa vào quy hoạch 3 loại rừng.
Báo cáo hiện trạng rừng hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đều cho thấy diện tích rừng, độ che phủ rừng cả nước tăng. Nhưng nhà khoa học này cho rằng nếu tính đúng, mà một trong những phương pháp là đo bằng ảnh viễn thám, thì diện tích rừng thực chất chỉ bằng khoảng 70% - 85% so với con số báo cáo. Đây là một sai số rất lớn khi quy ra diện tích rừng cả nước.
2.
Thực tế hiện nay cơ quan quản lý rừng đang “bay” trên dữ liệu không có thật. Theo nhiều chuyên gia ngành lâm nghiệp, chỉ khi làm việc trên dữ liệu thật thì mới đưa ra được định hướng, chiến lược phát triển ngành đúng. Và cũng chỉ khi làm việc trên dữ liệu thật, vấn đề mất rừng từ việc chuyển đổi mục tiêu sử dụng rừng/đất rừng cho các dự án, đặc biệt là dự án kinh tế, mới được kiểm soát tốt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa đề xuất cho công ty Sacom Tuyền Lâm được nộp tiền trồng rừng thay thế đối với diện tích 5,3003 ha đất rừng phòng hộ môi trường cảnh quan Đà Lạt để chuyển đổi làm khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trong khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Ảnh: Phạm Văn Hương
Trước thực trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng/đất rừng bất hợp lý đến mức báo động, vào năm 2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 13, trong đó yêu cầu “rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch…”. Chỉ thị cũng yêu cầu kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái.
Từ Chỉ thị này, năm 2020, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy trong vòng 3 năm, từ 2017 - 2019, đã có 183.740 ha rừng được đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng/đất rừng, cho hơn 3.600 dự án. Thời gian này, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng 133 dự án, với tổng diện tích 3.325 ha, tức mỗi năm có khoảng hơn 1.000 ha rừng đã được đồng ý chuyển đổi trên cả nước.
Tuy nhiên sau 5 năm, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng/đất rừng để làm các dự án kinh tế gây nhiều lo ngại trong dư luận dường như vẫn không được cải thiện. Điểm tin sơ bộ, năm 2021 Gia Lai đã chuyển đổi gần 270 ha rừng đang giữ vai trò phòng hộ, sinh thái cảnh quan, sinh kế, văn hóa cho người dân địa phương để làm dự án khu phức hợp bao gồm sân golf Đak Đoa.
Cũng chỉ trong năm 2021, toàn tỉnh Quảng Ninh có 74 dự án được HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích gần 869 ha rừng. Năm 2023, Đắk Lắk bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với hơn 320 ha thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng. Tuyên Quang năm nay đã chuyển đổi hơn 155 ha rừng làm khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm.
Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm - Tuyên Quang khoảng 540,25 ha, từ ngày 10.7.2023 sẽ chuyển mục đích sử dụng rừng 155,633 ha rừng sản xuất là rừng trồng để thực hiện dự án. Ảnh đồ án: CTV
Hay Lâm Đồng, ngoài một số dự án gần đây dư luận bức xúc như chuyển đổi 5,3 ha rừng thông phòng hộ trong khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm để làm khu nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty Sacom Tuyền Lâm; hay Công ty TNHH Vĩnh Tiến đã tự ý chuyển đổi trái phép hơn 100 ha đất rừng…; thì dự kiến trong gần 10 năm tới, Lâm Đồng cho biết sẽ chuyển đổi hơn 5.800 ha rừng, bao gồm rừng đặc dụng, phòng hộ (chiếm hơn 2.000 ha) và rừng sản xuất cho các dự án kinh tế (chiếm gần một nửa tổng diện tích rừng), dự án công trình công cộng…
Đó là chưa kể tình trạng nhiều tỉnh thành đã hoặc đang đề nghị đưa hàng chục ngàn ha đất rừng ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng, như Lâm Đồng đề nghị đưa 52.000 ha, Gia Lai là 44.000 ha… vì nhiều lý do, bao gồm mục đích dành quỹ đất cho các dự án đầu tư phát triển.
Bình luận về hiện trạng trên, luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên cấp cao Văn phòng Luật sư NH Quang & Cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết Chỉ thị 13 không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ mang tính nhắc nhở, cảnh báo, lưu ý, đốc thúc. Chỉ thị 13 ra đời từ năm 2017 mà sau 5 năm tình trạng mất rừng vẫn ở mức báo động. Do vậy, theo luật sư Lập, cần thiết phải có một quyết định tạm thời của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng tất cả các dự án kinh tế liên quan đến rừng trong một thời gian nhất định, có thể vài năm, để rà soát lại các dự án, các chính sách, quy định pháp luật, rà soát trách nhiệm của chính quyền địa phương, tình trạng rừng và ban hành các biện pháp hiệu quả.
3.
Nhiều dự án kinh tế chuyển đổi và sử dụng đất rừng ra đời vì mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, nhưng các giá trị của rừng hiện nay đã không còn chỉ nhìn ở đo đếm trữ lượng gỗ. Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài động, thực vật và các yếu tố môi trường, đa dạng sinh học khác, có giá trị về môi trường, sinh kế, cảnh quan, đời sống văn hóa xã hội… cho cả một cộng đồng tại khu vực đó. Để hình thành được một cánh rừng thực sự, không phải chỉ cần trồng một cái cây lên, không chỉ cần thời gian đủ dài, mà còn cần rất nhiều điều kiện cần và đủ khác.
Hiện trạng một khu vực rừng thông bên trong dự án sân golf Đak Đoa. Ảnh tư liệu: Bắc Ngô
Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây một dự án kinh tế sử dụng đất rừng có nghĩa là phá đi cánh rừng đó. Quy định trồng thay thế một cánh rừng khác, mới nghe tưởng chừng có lý nhưng lại thiếu thực tế, không chỉ ở vấn đề khó thể bù lại được những giá trị mà rừng đang mang lại cho khu vực bị mất rừng mà còn có một thực tế khác: rất khó tìm ra quỹ đất để trồng rừng thay thế trong tình hình hiện nay. Chưa kể quy định chủ đầu tư dự án chỉ phải đóng chi phí cho 1 năm trồng rừng và 4 năm chăm sóc rừng đối với diện tích rừng trồng thay thế cho diện tích/hệ sinh thái rừng vốn đã có một đời sống lâu đời của nó. Đây chỉ là một trong những bất hợp lý liên quan nằm trong nhiều quy định, chính sách hiện hành.
Những bất hợp lý trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng/đất rừng để phát triển kinh tế kèm theo/dắt dây theo nhiều quy định bất hợp lý khác trong triển khai thực hiện. Điều này chỉ có thể được giải quyết khi nhà nước thực sự xem rừng là tài nguyên với đầy đủ giá trị của nó. Để có những quyết sách đúng.
Lê Quỳnh
_____________
(*) Theo khái niệm ngành lâm nghiệp, rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát, hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.