Tháng 4 đối với Việt Nam và thế giới, kể từ năm 1975 đến nay, luôn là tháng nhắc nhớ đến nhiều sự kiện đã trở một thành dấu mốc của thế kỷ 20 diễn ra tại Việt Nam. Đó cũng là một trong những tháng nhắc nhở con cháu dân Việt muôn đời khắc ghi lịch sử nước nhà liên quan đến cuộc chiến tranh hai miền Bắc – Nam phải gánh chịu rất nhiều mất mát, thương đau và kết thúc trong “vui sao nước mắt lại trào”, khi non sông liền một dải vào ngày 30.4 từ 47 năm trước.
Trong các sự kiện lịch sử mãi mãi không thể được quên còn có các sự kiện về Hoàng Sa, Trường Sa lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Cho đến nay, những vùng biên cương trên đại dương đó của Việt Nam đã và luôn đối mặt với mưu toan xâm chiếm của kẻ thù. Giáo dục khắc ghi các sự kiện về Hoàng Sa, Trường Sa là để mỗi công dân Việt Nam hôm nay và muôn đời mai sau luôn nhớ để cùng thực hiện lời dạy của cha ông “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình…” (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trích Cự ngao đới sơn).
Ngày 12.3 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dâng hương tưởng niệm tại Khu Tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma (tại thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: N.Vân/ Báo Lao Động
Hiện tại, dư luận xã hội đang có rất nhiều người quan tâm, bàn luận về việc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học tới (2022-2023) đối học sinh lớp 10 cả nước, tiếp đến là cả các lớp cấp Trung học phổ thông vào những năm tiếp theo, môn lịch sử không còn là môn học bắt buộc nữa mà chỉ là một môn học tự chọn.
Những bài học về Hoàng Sa, Trường Sa
Còn các sự kiện lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa trong suốt gần nửa thế kỷ qua lại chưa được quan tâm đúng mức cả trong chương trình giáo dục quốc gia và sách giáo khoa để giảng dạy thống nhất cho học sinh cả nước.
Thế nhưng, gần 10 năm qua đến nay, Khánh Hòa đã tổ chức, dạy về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh của tỉnh.
Đó là dạy trong phần sử địa phương và chương trình “ngoại khóa”, theo sách riêng về Lịch sử Khánh Hòa do Sở GDĐT tỉnh tổ chức biên soạn, đưa vào sử dụng kể từ năm 2013, dưới dạng “Tài liệu dùng cho học sinh”. Việc giáo dục ấy của Khánh Hòa là nhằm bù đắp cho học sinh những điều cần học, cần nhớ về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa nhưng "vắng bóng" trong sách giáo khoa và chương trình chính khóa như đã nêu.
Hình ảnh 64 Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh bảo vệ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14.3.1988 (chụp tại khu tượng đài Gạc Ma ở bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Phan Sông Ngân
Bộ tài liệu Lịch sử Khánh Hòa gồm bốn cuốn, trong đó có hai cuốn dành cho học sinh các lớp cấp THCS và cấp THPT; hai cuốn hướng dẫn giảng dạy các tài liệu vừa nêu, dành cho giáo viên.
Trong cuốn Lịch sử Khánh Hòa dành cho học sinh cấp THCS có bài học về sự kiện "Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam kết hợp đặc công Quân khu 5 giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa" dạy cho học sinh lớp 9.
Còn trong sách Một số chuyên đề lịch sử Khánh Hòa dành cho học sinh THPT (phần chuyên đề di tích, lớp 10) có giới thiệu về di tích bia chủ quyền Trường Sa trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết.
Đối với học sinh 12, trong sách có bài ngoại khóa chủ đề "Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam". Nội dung bài học không chỉ truyền đạt cho học sinh về sự thật chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo, mà còn cung cấp nhiều chứng cứ lịch sử, khách quan về sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên các vùng lãnh thổ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Các chứng cứ bao gồm cả những di sản văn hóa, những tài liệu do cả người nước ngoài ghi chép; thư tịch, văn bản pháp lý của nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử…
Từ các sách Lịch sử Khánh Hòa dành cho học sinh THCS, THPT và cách tổ chức dạy học của Khánh Hòa đều truyền thụ cho học sinh kiến thức và sự thật lịch sử “hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã là phần đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chủ quyền ấy đã được minh chứng bằng sự thật lịch sử: Nhà nước Việt Nam đã quản lý và khai thác vùng lãnh thổ trên Biển Đông một cách liên tục và hòa bình đã nhiều thế kỷ” (trích từ sách đã dẫn).
Bài học còn giúp cho học sinh hiểu được sự xác lập chủ quyền biển đảo đó của Việt Nam được lưu lại bằng những di sản văn hóa và nhiều căn cứ khoa học khẳng định một cách chắc chắn cả về lịch sử và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tưởng niệm những người lính đã hy sinh bảo vệ biển đảo Tổ quốc tại đảo Gạc Ma - Trường Sa. Ảnh: Phan Sông Ngân
“Dạy con từ thuở còn thơ” về Trường Sa
Tuy nhiên, trong những năm qua việc dạy về Hoàng Sa, Trường Sa kể trên của Khánh Hòa cũng chỉ mới dành cho học sinh phổ thông từ lớp 9 trở lên. Hiện nay, theo Chương trình giáo dục mới 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), toàn bộ các nội dung giáo dục về địa phương (lịch sử, văn hóa, địa lý…) đều được chuyển đổi, tích hợp để dạy trong phần giáo dục địa phương.
Theo đó, Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã và đang tiếp tục tổ chức biên soạn các sách Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Khánh Hòa dành cho các lớp, ở các cấp học theo tiến độ thực hiện chương trình mới của Bộ GD&ĐT.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa Lê Đình Thuần cho biết, đến nay các cuốn Tài liệu Giao dục địa phương tỉnh Khánh Hòa lớp 1, lớp 6 đều đã được xuất bản, đưa vào giảng dạy cho học sinh các lớp vừa nêu trong tất cả các trường ở tỉnh.
Về nội dung, tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Khánh Hòa lớp 1 (36 trang), gồm sáu chủ đề tích hợp (về quê hương; danh thắng; cây trồng; vật nuôi; sản phẩm nghề truyền thống ở tỉnh) và học sinh lớp 1 của Khánh Hòa đã được “gieo - dạy” về các đảo Trường Sa.
Đó là trong bài học đầu tiên, theo chủ đề số 1 “Khánh Hòa quê hương em”, trong phần “khám phá - những điều lý thú ở quê hương em” có hình ảnh huyện đảo Trường Sa cùng với thành phố Nha Trang và các danh thắng nổi tiếng của tỉnh. Ở phần xem thêm cuối sách, trong một số hình ảnh về quê hương Khánh Hòa, học sinh lại được giới thiệu về “đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa”.
Bài học ấy là một cách dạy cho học sinh Khánh Hòa về hình ảnh, gọi tên Trường Sa ngay từ bài học đầu tiên về quê hương xứ sở, ở lớp học đầu tiên của cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục phổ thông nước nhà.
Tài liệu "Giáo dục địa phương tỉnh Khánh Hòa" lớp 1 đã được đưa vào dạy cho học sinh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sông Ngân
TS. Nguyễn Thị Kim Hoa - phó chủ tịch Hội Sử học Khánh Hòa, chủ biên Tài liệu Giáo dục địa phương Khánh Hòa - cho biết, nội dung giáo dục về Trường Sa cho học sinh tiểu học còn được biên soạn lồng ghép, tích hợp ở các bài học trong các tài liệu giáo dục của các lớp tiếp theo, với mức độ “đậm dần” theo khả năng hiểu biết, tiếp nhận của học sinh.
Còn ngay trong bài học đầu tiên của tài liệu dành cho lớp 1, cũng theo TS. Kim Hoa, ở phần Luyện tập (Cùng bạn kể ra những điều lý thú ở tỉnh Khánh Hòa: danh thắng, sản vật) và phần Vận dụng (Chia sẻ về một danh thắng hoặc sản vật tại nơi em đang sinh sống) cũng đều được thiết kế theo hướng mở để thầy cô có thể hướng dẫn, giúp các em luyện tập, vận dụng nhắc về Trường Sa, gọi tên Trường Sa.
Theo ông Lê Đình Thuần, nội dung về lịch sử Trường Sa, Hoàng Sa cũng sẽ được xây dựng, biên soạn để dạy nhiều hơn, đầy đủ hơn cho học sinh các lớp THPT. Hiện nay, Sở đang chuẩn bị để trình cho Bộ GD&ĐT tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Khánh Hòa lớp 10, lớp 3 và tiếp tục biên soạn tài liệu các lớp còn lại theo tiến độ triển khai thực hiện chương trình mới. Do đó, học sinh các lớp chưa học theo chương trình mới ở THCS, THPT vẫn sử dụng (có cập nhật) học theo tài liệu Lịch sử Khánh Hòa đã biên soạn, xuất bản trước đây, trong đó có các bài học về Hoàng Sa, Trường Sa.
Đối với học sinh tiểu học, ngoài học sinh lớp 1 đã được dạy theo tài liệu mới kể trên, sáng 25.4.2022 ông Hà Văn Thông – trưởng Phòng Giáo dục mầm non-tiểu học (Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa), cho biết hiện tại tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Khánh Hòa lớp 2 đã được trình lại Bộ GD&ĐT xem xét, sau khi tỉnh đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung theo các ý kiến góp ý của Hội đồng Tư vấn sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT.
Còn tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Khánh Hòa lớp 3 thì đã được Hội đồng thẩm định của tỉnh thông qua, hiện đang hoàn chỉnh để trình Bộ GD&ĐT theo quy trình quy định.
Trong các tài liệu giáo dục học sinh lớp 2 và lớp 3 đó của Khánh Hòa, theo ông Thông, vẫn có những nội dung, hình ảnh giáo dục, hướng dẫn cho học sinh nhận biết căn bản về huyện đảo Trường Sa của tỉnh.
Còn trong tài liệu giáo dục học sinh lớp 5 hiện tại cũng có nội dung dạy các em về Trường Sa, nhận biết về Trường Sa trên bản đồ của Tổ quốc. “Tinh thần giáo dục đó về Trường Sa vẫn tiếp tục được thiết kế, thể hiện trong tài liệu mới Giáo dục địa phương Khánh Hòa dành cho học sinh lớp 5 sẽ được biên soạn sắp đến”, ông Hà Văn Thông nói.
Dạy cho học trò để bảo vệ “một thước núi, một tấc sông” Tổ quốc
Nội dung dạy cho học sinh các lớp, các cấp của Khánh Hòa về Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay tuy vẫn còn tùy theo mức độ, khả năng tiếp thu theo lứa tuổi của của học sinh và cả tinh thần phải theo “độ mở” cho phép đến nay về các vấn đề lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa.
Thế nhưng, với những gì Khánh Hòa đã giảng dạy, đang thực hiện được thì cũng là cách “gieo lịch sử” Hoàng Sa, Trường Sa vào lòng học trò để các em luôn được học, làm theo tinh thần “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” (Hồ Chí Minh, trích từ Lịch sử nước ta).
Đó cũng chính là dạy cho từng công dân tương lai về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với “một thước núi, một tấc sông” của Tổ quốc Việt Nam mà vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đã từng răn dạy gần 550 năm trước (xem Đại Việt sử ký toàn thư) về giữ gìn biên cương đất nước.
Phan Sông Ngân
Phan Sông Ngân