Đừng nhìn kinh tế di sản qua đồng xu!

 20:31 | Thứ ba, 16/05/2023  0
Đừng để thói quen “tận thu” hay “hớt váng” ám ảnh mọi nơi mọi lúc. Về mặt đạo lý, sẽ là bội bạc và bất kính nếu cứ nghĩ thế, làm thế với những hoạt động khai thác vốn cổ của tiền nhân!

Cái đồng xu kim loại tròn vo, có cái lỗ tròn xinh xắn để xỏ dây, bây giờ đã là đồ cổ. Mệnh giá nhỏ xíu của nó lâu lắm rồi không còn dùng ở xứ ta. Gần đây, có việc tranh luận phố cổ Hội An có nên thu tiền vào cửa hay không - điều này làm ta nhớ đến đồng xu!

Có ý kiến cho rằng vé vào cửa đối với phố cổ chỉ là “tiền nhỏ” trong khi “tiền lớn” nằm ở chỗ khác. Của đáng tội, lỗi không phải đồng xu. Quả thật, câu chuyện vé vào cửa nên nhìn ở bình diện lớn hơn là nguồn thu phố cổ và các di sản ở Việt Nam nên đến từ đâu? Làm sao thu được nhiều và thu thế nào để ai cũng “tâm phục khẩu phục”? 

Vì sao di sản? 

Phố cổ (old town hay vieille ville) và nhiều kiến trúc cổ xưa, hay đẹp, chỉ mới trở thành một trong những địa điểm du lịch tỏa sáng khi người ta thấy mất dần những tài sản của quá khứ. Vào nửa thế kỷ XX trở đi, các đô thị nhà chọc trời bùng nổ, kiến trúc International Modern tràn ngập, là kết quả của thời kỳ thăng hoa mới của các nước công nghiệp hóa. Chúng làm khung cảnh và sinh hoạt của thị dân thay đổi lớn. Chưa kể nhiều nơi chiến tranh và những hoạt động ngu xuẩn đã phá bỏ nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử rạng rỡ của các thể chế cũ.

Trong tình huống ấy, các thế hệ trung niên trở lên nhận ra bản thân mình và xã hội đang bị thất thoát, thậm chí bị “đánh cắp” ký ức về không gian đã nuôi dưỡng mình lớn lên. Đồng thời, các thế hệ trẻ hơn, ngẫu nhiên hoặc do nhà trường giáo dục, bắt đầu tìm hiểu và học hỏi các thời kỳ khởi tạo của gia đình, tổ tiên, đất nước. 

 Tòa nhà Market City ở China Town Sydney gần bên kiến trúc cổng chào của người Hoa (ảnh trái).


Có thể nói ở nhiều nước trong nhiều thập kỷ trước đã nảy nở hội chứng “hoài cổ”, “thương nhớ đồng quê”, luyến tiếc đời sống dân dã, vàng son trước khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa ào ạt tăng tốc. Cái tình cảm tự nhiên ấy dần dần lan tràn và thẩm thấu nhiều tầng lớp ở nhiều mức độ ở những nước khác nhau.

Những nơi chính quyền và xã hội nhận thức đầy đủ thì họ quyết tâm kiểm kê, giữ gìn, tôn tạo, quảng bá các giá trị di sản. Họ làm những việc này không chỉ bằng thông tin, giáo dục mà còn bằng pháp lý và quan trọng thêm nữa, bằng hoạt động kinh tế! Bởi thực tế cho thấy phát huy di sản không chỉ là tiêu tiền để cứu giữ mà còn là tạo ra tiền bạc để đóng góp cho chính di sản và các mặt khác của xã hội.

Vì sao phố cổ? 

Chính đời sống khấm khá, phương tiện giao thông nhanh và giá cả vừa phải đã khiến du khách không ngại ngần bước ra khỏi những căn hộ tiện nghi để du ngoạn xuyên vùng, xuyên quốc gia, xuyên lục địa. Càng đi xa, người ta càng muốn khám phá không chỉ hiện tại, tương lai mà cả quá khứ quê mình, quê người và cả nhân loại. Thiên nhiên, đồng quê, phố xá, ẩm thực, văn hóa, lịch sử  trở thành “thực đơn tinh thần” chính trong các kế hoạch đi đây đi đó và yêu cầu cho các tour du lịch. Phố cổ là điểm du lịch hội tụ đủ các phong vị trên và nếu có thêm “người đầu bếp” biết chế biến đúng cách thì càng trở nên cuốn hút, muốn thăm viếng nhiều lần. 

Thế nên, từ lâu lắm rồi, Paris thêm nổi tiếng với khu Latin và Montmartre lãng mạn, London có khu City chỉ trong một dặm vuông là khu tài chính - toàn những kiến trúc cổ kính. Hay như Bruxelles (Bỉ) có Grand - Place, Geneva (Thụy Sĩ) có Vieille ville, Amsterdam (Hà Lan) giữ được phố “siêu cổ” từ những năm 1300, hay Moscow (Nga) có phố Arbat khai sinh từ thế kỷ XV. Ngay cả Varsava có khu phố cổ tuyệt đẹp bị phát xít Đức hủy hoại thì ngay sau chiến tranh chính phủ Ba Lan đã nỗ lực tái tạo.

Trong khi ấy, đến Washington D.C (Hoa Kỳ), du khách không thể không ghé thăm Alexandria town. Ở  San Antonio (Texas, Hoa Kỳ), có phố cổ dọc dòng kinh rất lý thú khi đi dạo quanh vào đêm.

Ghé Sydney (Úc), gần bên Opera House hiện đại, có The Rock - khu phố dọc cảng xưa nơi người Anh đổ bộ đầu tiên. 

Các quán cà phê, khách sạn (ảnh trên), cửa hàng đồ lưu niệm, cửa hàng thời trang tại khu The Rock Sydney ở khu bến tàu xưa. Khách ra vào thoải mái không cần vé vào cửa. Ảnh chụp tháng 4.2023.


Với châu Á, cố đô Kyoto (Nhật) bảo tồn khu Higashiyama mà khách Việt vào đây có thể nhận ra “nguyên mẫu” của Hội An mà người Nhật góp tạo dựng. Bến Thượng Hải (Trung Quốc) còn giữ nguyên các tòa nhà phương Tây mỹ lệ xây dựng trước 1949. Ở Manila (Philippines) tuy rất hiện đại và rất Mỹ nhưng vẫn nâng niu khu Intramuros là phố cổ và thành cổ thời kỳ Tây Ban Nha.

Singapore cũng thế, nhà cửa chọc trời - tân kỳ không thua Hồng Kông hay New York song vẫn cố gắng giữ lại China Town và Little India là hai khu phố điển hình cho kiến trúc và sinh hoạt thời thuộc địa với nhiều văn hóa đặc thù độc đáo.

Malacca và Penang (Malaysia) cũng bảo tồn các phố xưa - dấu tích người Malay, Anh, Hoa và Ấn Độ  cùng sinh sống trong thế kỷ XIX. Hầu như những điểm du lịch thu hút nhiều du khách nhất trên thế giới đều không thể không có phố cổ!

Miễn phí và không miễn phí

Tất cả những phố cổ nói trên mà phần lớn người viết đã có dịp trải nghiệm, đều không thu vé vào cửa hay qua lại. Bản thân chúng đã là một phần của đô thị và đời sống đương đại, không phải là những khu phố có hàng rào cách biệt. Du khách có thể tự đi đến đó và mua chiếc thẻ xe buýt - xe tram và metro từng chuyến hay cho cả ngày lang thang phố cổ và toàn thành phố. “Sang” hơn nữa thì đi taxi hoặc xích lô và xe ngựa! Cứ đi đến phố cổ nghĩa là đã bắt đầu tiêu tiền và trả tiền cho chính quyền và doanh nghiệp của nước sở tại rồi đấy!

Hình ảnh Chùa Cầu, và phố cổ Hội An. Ảnh: Báo điện tử Tổ Quốc.


Kế đến, khi vào các phố cổ, cả du khách tự do và du khách theo đoàn sẽ phải trả tiền cho những dịch vụ và tiện nghi lữ hành. Đầu tiên là dịch vụ walking tour, có hướng dẫn viên đồng hành đi bộ để khám phá kỹ lưỡng các mặt chứ không thể “tự sướng” theo tra cứu và hướng dẫn của “bác Google”. Và rồi xài tiền ở các quán xá, nhà hàng, xe kem, xe bán nước giải khát, các điểm nổi tiếng về ẩm thực và thù tiếp của địa phương. Chỉ riêng cái thú ngồi nhâm nhi cà phê và thưởng thức cảnh “ông đi qua - bà đi lại” trong không gian xưa cũ, đã cho ta cái cảm giác như được bước vào “chiếc máy thời gian” của nhà văn Anh H.G Wells. Bấy nhiêu đã đủ sức hấp dẫn để “móc túi” khách. 

Hơn nữa, trong phố cổ còn có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm và hàng “đặc sản” từ thực phẩm đến quần áo, đồ mỹ nghệ, đồ chơi, tranh ảnh, tượng và sách báo. Rẻ và phổ biến là các loại hàng “3 đồng 10 cái”, “mua một tặng một” mà chủ doanh nghiệp quen cách kiếm lời từ số lượng lớn đều sẵn sàng áp dụng. Cao cấp, nhiều tiền hơn là các sản phẩm thiết kế mỹ thuật công phu, độc đáo, có loại lên đến hơn 100 USD vẫn lọt mắt xanh của du khách phong lưu và có đầu óc nghệ thuật.

Nói đến điều này, ta lại thấy hiện tại hàng hóa của Việt Nam phục vụ chuyên cho du khách vẫn còn đơn điệu lắm. Thêm buồn vì có những nơi bán hàng Tàu, hàng nhái, hàng dỏm, không đại diện cho hàng Việt Nam chất lượng cao. 

Hình ảnh chợ đêm Hàng Đào. Ảnh tư liệu: ĐSPL


Phố cổ càng hấp dẫn, càng có nguồn thu khi có các nhà lưu niệm, bảo tàng, gallery nghệ thuật và triển lãm đa dạng. Đa số loại hình này nếu thuộc nhà nước đều có thể miễn phí cho dân địa phương (vì họ đã đóng thuế thu nhập và có quyền hưởng thụ các công trình văn hóa công cộng). Còn du khách nước ngoài sẽ phải trả phí cho nhà lưu niệm và bảo tàng.

Có một số bảo tàng quốc gia hay địa phương đặt trong hay ngoài phố cổ tuy miễn phí vào cửa nhưng du khách vẫn phải trả tiền khi xem những triển lãm chuyên đề được chuẩn bị khác với phần trưng bày thường xuyên. Thêm nữa, các nhà hát mini, những show trình diễn văn nghệ hay thời trang trong khung cảnh đền đài, cầu đường, công viên và nhà cửa huyền thoại đều là sản phẩm đặc biệt quyến rũ khách. 

Để làm kinh tế di sản nói chung và kinh tế phố cổ nói riêng, chính quyền và các doanh nghiệp cần có tầm nhìn lớn hơn, như ông bà ta nói, “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”.

Nguồn thu giá trị của phố cổ còn đến từ những sinh hoạt lý thú như chợ phiên, chợ nông dân, chợ đồ cổ, chợ đêm... Sydney đã mở Weekend Night Market ở khu China Town, Hà Nội cũng có chợ đêm Hàng Đào - Hàng Đường luôn tấp nập. Các phố cổ còn tạo nguồn cảm hứng và thu nhập cho những người hát rong, vẽ ký họa, nhiếp ảnh, nhà văn đến bán sách và các nghệ sĩ đường phố.

Với dịch vụ lưu trú trong phố cổ, nếu đủ diện tích và cơ sở hạ tầng bao gồm tiện nghi hiện đại, sự hiếu khách thì khách sạn từ 1 sao đến 5 sao đều tìm được nguồn khách đông đảo. Kèm với dịch vụ lưu trú trong và ngoài phố cổ  là các dịch vụ liên quan trực tiếp như ẩm thực, vũ trường, casino và giặt giũ, đổi tiền và cho thuê xe… 

Tổ chức nguồn thu chứ không phải “hớt váng” 

Nguồn thu cho phố cổ và nhìn rộng ra là nguồn lợi của kinh tế di sản là tiền tỷ, tiền ức chứ không phải tiền xu! Đó không chỉ là tiền đến từ các hoạt động kinh doanh kể trên mà còn đến từ khai thác quảng bá thương hiệu, tài trợ của các nhà hảo tâm và các tổ chức thiện nguyện trong, ngoài nước. Càng không phải là nguồn thu riêng của chính quyền phường, quận, thành phố. Đó là nguồn thu chung cho toàn xã hội và từng doanh nghiệp, từng cá nhân tham gia giữ gìn khai thác, bồi đắp thêm cho các giá trị gia tăng của phố cổ và di sản. 

Lợi ích chung có được từ kinh tế di sản là công ăn việc làm, doanh thu và tiền thuế thu nhập của các doanh nghiệp. Và sâu rộng hơn nữa là những lợi ích về giáo dục và nhân văn, lợi ích về quan hệ quốc tế. Tại Hà Lan, theo báo Guardian trong năm 2018 đã có 19 triệu du khách đến thăm phố cổ Amsterdam trong khi nơi này chỉ có 850.000 dân. Hoạt động du lịch tại đây tạo thêm 60.000 việc làm và nguồn thu hơn 6 tỷ euro. Trong khi đó, tại Sydney, chỉ riêng Australian Museum năm 2017 - 2018 đã thu hút gần nửa triệu khách với tiền thu được từ bán vé là 5 triệu AUD, tổng các thu nhập là 43 triệu AUD.

Phố cổ China Town Singapore, nơi các công trình xưa được giữ gìn tốt, có các bảng lưu niệm hướng dẫn lịch sử và nhiều hoạt động thương mại thu hút du khách. Trong ảnh: bảng lưu niệm và công viên tại khu Telok Ayer. Ảnh chụp tháng 3.2023 


Chính quyền các cấp, các ngành cùng xã hội cần đồng thuận việc tôn tạo, phát huy di sản vật thể và phi vật thể không phải là hoạt động văn hóa đơn thuần mà còn là kinh tế. Đã là kinh tế, hẳn nhiên chúng ta cần đầu tư vốn liếng, cần tổ chức sản xuất, tiếp thị và bán hàng khôn khéo. Hoàn toàn không có việc “ngồi mát ăn bát vàng”, tận dụng và tận phá như những sai lầm đã và đang có trong khai thác rừng, biển, sông núi cho các hoạt động công nghiệp và địa ốc, dẫn đến ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên quốc gia.

Đây là vấn đề lớn, nhiều điều mới mẻ, cần thiết học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước và mở ra hợp tác quốc tế không chỉ trong bảo tồn kiến trúc, quảng bá văn hóa, du lịch. Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp trong, ngoài nước cùng tham gia đầu tư vào kinh tế di sản. Đồng thời, nhà nước và xã hội cần nâng đỡ, tài trợ các nhà khởi nghiệp trong hoạt động này, kể cả đưa công nghệ mới vào các sản phẩm di sản Việt Nam và tiếp thị ra thế giới.

Để làm kinh tế di sản nói chung và kinh tế phố cổ nói riêng, chính quyền và các doanh nghiệp cần có tầm nhìn lớn hơn, như ông bà ta nói, “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”. Đừng nhìn thu nhập của các hoạt động này chỉ qua chiếc vé vào cửa, hay đồng xu nhỏ nhoi mà quên mất các nguồn lợi lớn lao và vững bền. Đừng để thói quen “tận thu” hay “hớt váng” ám ảnh mọi nơi mọi lúc. Về mặt đạo lý, sẽ là bội bạc và bất kính nếu cứ nghĩ thế, làm thế với những hoạt động khai thác vốn cổ của tiền nhân! 

Bài và ảnh: Phúc Tiến

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.