Cách đây 21 năm, hội chứng “vô tri lịch sử” và cơn lốc “kim tiền” bắt đầu cuốn đi nhiều “cột mốc ký ức” ở đô thị. Ngay lúc ấy, Luật Di sản Văn hóa ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2009, trở thành công cụ nhận thức và pháp quyền để cứu vãn các công trình di sản.
Từ đó đến nay, một số “kho báu” tiêu biểu như di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long và quang cảnh Hồ Gươm ở Hà Nội đã gìn giữ được. Còn tại TP.HCM, rất may mắn, chợ Bến Thành, tòa nhà Hỏa xa Đông Dương, “Dinh Thượng Thơ” và tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm không bị “bốc hơi” hay biến dạng.
Các công trình của Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Nhà thờ Thủ Thiêm là những di chỉ văn hóa, lịch sử, tôn giáo… ở Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) đã tồn tại gần 180 năm qua. Ảnh: Nguyễn Minh Tú
Song, dù đã có luật nhưng không ít công trình văn hóa - lịch sử vẫn bị “đốn hạ” đầy cay đắng. Trên đất Sài Gòn - Gia Định, nổi bật là việc “xóa sổ” thương xá Tax, nhà máy Ba Son, hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng và di tích khảo cổ lò gốm Hưng Lợi.
Một số nơi khác, cả công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đang hồi hộp đợi xem số phận của mình giữa sự bủa vây của những dự án xây dựng mỹ miều. Gần đây là dự án xây dựng phức hợp khách sạn - thương mại tại “Đồi Dinh” ở Đà Lạt và dự án xây dựng nhà hát opera đồ sộ trên Đầm Trị - bán đảo Quảng An ở Hà Nội. Phải chăng Luật Di sản Văn hóa còn chưa cập nhật nhiều vấn đề đương đại và chưa có nhiều biện pháp bảo vệ, ngăn chặn khả thi?
Cần bổ sung di sản tự nhiên và yếu tố thuận thiên
Vừa rồi, tại Hà Nội, ngày 28.7.2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc hội thảo đầu tiên để nghe góp ý các văn bản dự thảo đề xuất sửa đổi và bổ sung cho Luật Di sản Văn hóa.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết hệ thống văn bản quy phạm pháp luật di sản văn hóa đang bộc lộ hạn chế về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa vô cùng cần thiết để bắt kịp sự vận động, biến chuyển của xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Theo chúng tôi, chính vì vậy cần xem xét lại trước nhất các khái niệm căn bản liên quan di sản mà luật đã định danh và chưa định danh.
Bán đảo Quảng An với giá trị cảnh quan độc đáo ba phía là mặt nước Hồ Tây. Ảnh: T.A.T
Cụ thể, chương I của Luật Di sản Văn hóa hiện hành giải thích 13 từ ngữ cụ thể, từ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể cho đến các nhiệm vụ liên quan. Trong đó một số khái niệm cần bổ sung nội dung không chỉ để rõ nghĩa mà còn không để “lọt lưới” nhiều sự vật, sự việc đã thể hiện trong thực tế đấu tranh cứu giữ di sản. Trước nhất, khi định nghĩa di sản văn hóa vật thể, điều 4 của Luật chỉ mới xác định từ ngữ “sản phẩm vật chất” mà chưa nói ai làm nên sản phẩm. Theo chúng tôi, nên định nghĩa đầy đủ là sản phẩm vật chất của tự nhiên, con người và xã hội. Ba “tác giả” của di sản đều cần được đối xử bình đẳng, nâng niu và bảo vệ như nhau.
Đặc biệt, ngày nay yếu tố tự nhiên bao gồm núi đồi, sông biển, đảo và vịnh, ao hồ, rừng và cây xanh, kể cả khí hậu… rất cần được nhấn mạnh. Bởi di sản tự nhiên ngày càng trở nên quan trọng và bức thiết khi công nghiệp hóa, đô thị hóa ồ ạt đã xâm thực môi trường, cảnh quan “thiên tạo”. Nhiều công trình kiến trúc nhân danh thương mại, du lịch đã và sẽ làm biến đổi hay lấn át, thậm chí làm biến mất các “kiệt tác” của thiên nhiên. Chúng không những hủy hoại không gian thư thái của xã hội mà còn làm mất cân bằng sinh thái. Hơn nữa, trước nguy cơ của biến đổi khí hậu, việc giữ gìn thiên nhiên và các di sản tự nhiên là một trong những giải pháp chống đỡ quan trọng.
Cầu Long Biên, hoàn thành năm 1902, một kiệt tác xây dựng đang xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả các bảng lưu niệm nhà thầu và niên đại xây dựng cũng bị hư hỏng (ảnh chụp sáng 17.8.2022)
Luật Di sản Văn hóa cần bổ sung các loại hình di sản tự nhiên để tiếp sức cho cuộc đấu tranh bấy lâu của người dân chống lại việc triệt hạ cây xanh, xâm lấn đồi núi và mặt nước ở nhiều nơi. Theo đó, từ ngữ “danh lam, thắng cảnh” (điều 4 và điều 28) vốn là một từ ngữ xưa thường dùng trong các hoạt động liên quan du lịch. Nên chăng Luật thay thế từ ngữ này bằng từ ngữ “di sản tự nhiên” hay “di sản thiên nhiên”? Tại Úc, bang New South Wales đã có Bộ Môi trường và Di sản với quan niệm coi môi trường cũng là một phần của di sản. Còn UNESCO từ lâu đã dùng từ ngữ “natural heritage” - di sản tự nhiên. Ở một số nước, các cảnh quan thiên nhiên hay đẹp đều được gắn bảng “natural landmark” - cột mốc hay dấu ấn tự nhiên!
Thêm loại hình và “tuổi đời” công trình xây dựng
Khoản 1, điều 28 Luật Di sản Văn hóa - sửa đổi năm 2009 đã đưa vào 5 nội dung cụ thể của khái niệm “di tích lịch sử - văn hóa”. Trong đó có 4 nội dung liên quan các công trình xây dựng và kiến trúc nhưng lại chưa quy định chi tiết loại hình nào. Thiết nghĩ Luật cần đưa ra danh mục các loại hình để tránh những “khoảng hở” mà các kẻ xâm hại di sản có thể lợi dụng. Chẳng hạn đó là các công trình dinh thự, đền miếu, chùa, nhà thờ, nhà cửa, phố xá, chợ nhà lồng, bệnh viện, nhà máy, cầu đường, tượng đài, công viên... Và còn phải kể đến đồn lũy, đường hầm, cống ngầm, bến cảng và sân bay là những công trình cơ sở hạ tầng lớn lao.
Những công trình này qua thẩm định nếu mang dấu ấn độc đáo về lịch sử, văn hóa, tâm linh hoặc kiến trúc, kinh tế, khoa học của từng thời kỳ trên quy mô quốc gia hoặc địa phương, đều xứng đáng được coi là di sản văn hóa vật thể. Căn cứ vào danh mục ấy, các nhà quy hoạch, nhà đầu tư khi tính đến thiết kế đô thị và xây dựng những công trình mới phải cân nhắc kỹ để không chồng lấn hoặc xâm lấn vào những công trình cũ. Thêm nữa, người dân và các cơ quan chức năng càng ý thức rõ các công trình xây dựng nào cần “để mắt” thường xuyên, không chỉ vì an toàn cháy nổ hay thiên tai mà còn vì giá trị di sản của chúng.
Khu vực di tích Khảo cổ học quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8, TP.HCM)- “là di tích có giá trị đặc biệt của quốc gia” (khoản 3, điều 29 Luật Di sản văn hóa) đã bị người dân san phẳng. Ảnh: TL- Trung Dũng
Mặt khác, trong khi khoản 6, điều 4 Luật Di sản Văn hóa quy định “tuổi đời” của cổ vật phải từ 100 năm trở lên thì Luật lại chưa đề cập niên hạn của các công trình xây dựng và kiến trúc. Để công nhận các công trình này là di sản, không thể không xét đến yếu tố thời gian khởi tạo bên cạnh các yếu tố về thiết kế và lịch sử. Thông thường “tuổi bền vững” của các công trình xây dựng chỉ khoảng 50 năm, sau thời hạn đó phải tu bổ và gia cố hay xem xét có nên duy trì như cũ. Như một tập tục rất kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật cũng như nhân văn, nhiều nhà thầu Pháp - từ trước đến nay, vẫn gởi thư thông báo niên hạn sử dụng và cảnh báo thời gian bảo trì cho các công trình xây dựng tại Việt Nam từ trước 1945. Theo chúng tôi, cần bổ sung niên hạn để xét công nhận di sản cho các công trình xây dựng là 50 năm trở lên. Với những công trình đặc biệt có thể áp dụng thời hạn ngắn hơn.
Việc xác định niên hạn cũng là cách thông báo cho những cá nhân, tổ chức đang sử dụng các công trình xây dựng ý thức rõ về giá trị và yêu cầu gìn giữ của những “cổ vật kiến trúc” quý hiếm đó. Bên cạnh các công trình xây dựng từ cổ xưa hay thời Pháp thuộc, đã đến lúc chính quyền và xã hội cần đưa vào “danh sách đỏ” những công trình hiện đại hoàn hảo được xây dựng từ trước 1975. Đồng thời, chúng ta cũng không thể quên việc kiểm kê, chọn lọc các công trình tiêu biểu xây dựng sau ngày thống nhất đất nước để đưa vào quy hoạch di sản của mỗi tỉnh, thành và cả nước.
Mở rộng “đội quân” giữ gìn và chế độ thưởng phạt
Điều 10 của Luật Di sản Văn hóa minh định: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi là tổ chức) và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tuy nhiên, có một số từ ngữ nên sửa đổi để xác định thêm đối tượng cụ thể. Đầu tiên, cụm từ “cơ quan nhà nước” nên ghi rõ là Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trực thuộc; HĐND và UBND cùng các cơ quan trực thuộc. Trong khi đó, cụm từ “tổ chức kinh tế” rất nên thay thế bằng “doanh nghiệp” là từ ngữ chính xác hơn. Với từ “cá nhân” nên chăng đổi thành “công dân Việt Nam trong và ngoài nước không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, giới tính, ngành nghề” để nêu bật ý nghĩa toàn dân là đối tượng có trách nhiệm - cũng như có quyền lợi với sự nghiệp di sản.
Hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) trước khi bị đốn hạ để làm cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Trung Dũng
Kế đến, chúng tôi đề nghị Luật cần đưa “tổ chức giáo dục và đào tạo”, bao gồm tất cả các trường công lập và tư thục, vào các đối tượng nói trên. Vốn dĩ đây là tổ chức nắm giữ số lượng dân số lớn nhất, trong đó giới trẻ là lực lượng lớn lao cần được hun đúc tinh thần bảo vệ và phát huy giá trị các loại di sản ngay từ sớm. Nếu xác định như thế, xã hội ta sẽ có được một “đội quân” canh gác và làm giàu “kho báu di sản” rất đông đảo chứ không chỉ bao gồm giới quản lý và chuyên môn.
“Đội quân” này cũng rất cần những “bảo kiếm” mạnh mẽ để cứu giúp di sản. Hiện tại, chương V và VI của Luật Di sản Văn hóa có một số quy định về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như khen thưởng và xử lý vi phạm. Theo đó, “Thanh tra nhà nước về văn hóa - thông tin thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa” (điều 66).
Thế nhưng, trong thực tế, các công trình di sản, nhất là di sản văn hóa vật thể như các cảnh quan thiên nhiên và công trình xây dựng đều tập hợp nhiều yếu tố thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Do vậy, Luật nên mở rộng thẩm quyền thanh tra - ngoài thanh tra chuyên ngành còn có thanh tra liên ngành. Trong đó, thanh tra liên ngành nhất thiết phải có sự tham gia của các ngành quy hoạch, kiến trúc, mỹ thuật, môi trường và sử học.
Di sản tự nhiên ngày càng trở nên quan trọng và bức thiết khi công nghiệp hóa, đô thị hóa ồ ạt đã xâm thực môi trường, cảnh quan “thiên tạo”. Nhiều công trình kiến trúc nhân danh thương mại, du lịch đã và sẽ làm biến đổi hay lấn át, thậm chí làm biến mất các “kiệt tác” của thiên nhiên.
Mặt khác, để thể chế hóa sự hợp tác liên ngành và vai trò của các tổ chức xã hội, Luật nên quy định các tỉnh, thành phải thành lập các hội đồng di sản. Đây là cơ quan có thẩm quyền dự thảo chính sách, xét duyệt các dự án, tiếp nhận khiếu nại và tố cáo cũng như thăm dò ý kiến nhân dân về các vấn đề di sản. Hình mẫu hội đồng di sản đã có và hoạt động hiệu quả ở nhiều nước tiên tiến gần gũi Việt Nam như Úc, Singapore.
Về xử lý vi phạm, điều 70 của Luật Di sản Văn hóa quy định tổng quát: Người nào phát hiện được di sản văn hóa mà không tự giác khai báo, cố tình chiếm đoạt hoặc có hành vi gây hư hại, hủy hoại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; di sản văn hóa đó bị nhà nước thu hồi. Hiện giờ, văn bản pháp lý cụ thể hóa việc xử phạt các vi phạm này chỉ mới ở mức nghị định của Chính phủ. Theo điều 14 Nghị định 75/CP năm 2010, mức phạt tiền thấp nhất là 300.000 đồng và cao nhất là 40 triệu đồng.
Vẻ đẹp của Đầm Trị trên bán đảo Quảng An, một phần của khu vực hồ Tây - một trong những hạt ngọc trời cho của Hà Nội đang có nguy cơ bị các dự án xây dựng đồ sộ xâm lấn (ảnh chụp sáng 16.8.2022).
Các hành vi như “làm hư hại hiện vật trong bảo tàng” hay “làm hư hại nghiêm trọng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa, nghệ thuật” chịu mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng. Còn việc “lấn chiếm, sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật vào bất cứ mục đích gì” hay “xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” cũng chỉ chịu mức phạt tương tự. Ngay cả “hành vi hủy hoại các di tích lịch sử - văn hóa, công trình văn hóa, nghệ thuật” cũng chỉ bị phạt cao nhất là 40 triệu đồng. So với thời giá hiện tại và quan trọng hơn cả là giá trị “vô đối” của các di sản thì các mức phạt trên quá nhỏ nhoi. Hay nói cách khác chỉ mới “giơ cao đánh khẽ”.
Chúng tôi cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa không những cần tăng mức phạt tiền và phạt tù cho các loại hành vi xâm hại di sản mà còn cần quy định các biện pháp khắc phục hậu quả; bao gồm việc phục hồi hiện trạng hay nguyên mẫu và “bồi thường lịch sử” bằng những việc làm nghiêm túc, có hiệu quả cao. Đơn cử, với những người chịu trách nhiệm phá bỏ những công trình lớn như nhà máy Ba Son và thương xá Tax, ngoài tiền phạt và thời gian ở tù, cần thiết phải bỏ chi phí và công sức để làm bảng lưu niệm hoặc bảo tàng lưu niệm tại những nơi này. Hoặc họ phải “xây đền” công trình xưa bằng những công trình công ích khác!
Trước khi trình Chính phủ và Quốc hội, rất mong dự thảo văn bản sửa đổi Luật Di sản Văn hóa sẽ được góp ý rộng rãi thông qua nhiều hội thảo và phương tiện truyền thông đại chúng cũng như mạng xã hội, để mở rộng hơn nữa các con đường cứu hộ và phát huy các loại di sản.
Bài và ảnh: Phúc Tiến