Những điểm đặc biệt của học sinh Việt Nam thi Olympic Toán quốc tế

 22:25 | Thứ hai, 24/07/2017  0

Năm 1974, Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO) cùng với Mỹ, tổ chức ở Cộng hòa dân chủ Đức. Mặc dù lần đầu xuất quân và chỉ có 5 thí sinh dự thi nhưng Việt Nam giành thành tích xuất sắc với một huy chương vàng, một bạc và hai đồng.

Huy chương vàng IMO đầu tiên của Việt Nam thuộc về Hoàng Lê Minh (học sinh lớp 10, khối chuyên toán A0 của Đại học Tổng hợp). Hai huy chương vàng tiếp theo của Việt Nam là Lê Bá Khánh Trình (trường Quốc học Huế) và Lê Tự Quốc Thắng (trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM). Điều thú vị là cả ba thí sinh này đều là người gốc Huế.

Thí sinh đầu tiên đạt điểm tối đa và cũng là duy nhất của Việt Nam tính đến nay đạt giải đặc biệt về lời giải đẹp là Lê Bá Khánh Trình. Anh đạt điểm tối đa 40/40 tại IMO 1979 tổ chức ở London (Anh) và được trao giải đặc biệt về lời giải bài toán hình học ngắn hơn đáp án và chỉ bằng kiến thức lớp 9.

Đội tuyển IMO 1974 của Việt Nam (cả chính thức và dự bị). Hàng đứng, trái qua phải là Hoàng Lê Minh, Đặng Hoàng Trung, Lê Tuấn Hoa, Đỗ Quang Bình, Vũ Đình Hòa. Hàng ngồi: Nguyễn Quốc Thắng, Vũ Đức Hoàn, Tạ Hồng Quảng, Nguyễn Bá Thi.

Trong 41 năm dự thi, có 9 học sinh xuất sắc của Việt Nam giành được điểm tuyệt đối của IMO. Đó là Lê Bá Khánh Trình (1979), Lê Tự Quốc Thắng (1982), Đàm Thanh Sơn (1984), Ngô Bảo Châu (1988), Đinh Tiến Cường (1989), Ngô Đắc Tuấn (1995), Đỗ Quốc Anh (1997), Lê Hùng Việt Bảo (2003), Nguyễn Trọng Cảnh (2003).

Trần Trọng Hùng và Phan Phương Đạt là hai thí sinh đầu tiên của Việt Nam tham dự hai kỳ IMO liên tiếp (năm 1987 và 1988). Trần Trọng Hùng đạt 2 huy chương bạc, còn Phan Phương Đạt đạt một bạc, một đồng.

Tám học sinh hai lần được huy chương vàng liên tiếp là Ngô Bảo Châu (1988-1989), Đào Hải Long (1994-1995), Ngô Đắc Tuấn (1995-1996), Vũ Ngọc Minh (2001-2002), Lê Hùng Việt Bảo (2003-2004), Phạm Tuấn Huy (2013-2014), Nguyễn Thế Hoàn (2014-2015) và Vũ Xuân Trung (2015-2016).

Cho đến nay, Nguyễn Tiến Dũng vẫn là thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia IMO. Đó là năm 1985, khi chưa tròn 15 tuổi, anh đã giành huy chương vàng với số điểm 35/42.

Phan Vũ Diễm Hằng là nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam. Chị tham dự IMO 1975 và đạt huy chương đồng. Tính đến IMO 2017, Việt Nam có 11 nữ thí sinh tham dự IMO và đều giành huy chương, trong đó có 5 bạc, 6 đồng. Nguyễn Thị Thiều Hoa là nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam đạt huy chương bạc IMO. Chị đạt thành tích này tại IMO 1976.

Một gia đình có ba người dự thi IMO là Hà Huy Minh (huy chương đồng IMO 1989) và Hà Huy Tài (giải bạc IMO 1991) là cặp anh em con chú con bác duy nhất từng tham dự IMO. Trong gia đình này còn có người chú Hà Huy Bảng từng tham dự IMO 1976 (nhưng không đạt giải).

Có một trường hợp họ hàng khác cùng giành giải bạc IMO là Trần Nam Dũng (cậu), giải bạc IMO 1983 và Lê Nam Trường (cháu), giải bạc IMO 2006. Trần Nam Dũng là người giành huy chương IMO đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng, còn Lê Nam Trường là thí sinh giành huy chương IMO đầu tiên của Hà Tĩnh (quê nội của Lê Nam Trường và quê ngoại của Trần Nam Dũng).

Có hai thí sinh Việt Nam dự IMO không học trong hệ thống trường chuyên là Chế Quang Quyền, bằng danh dự IMO 1985 (học sinh trường THPT Long Thành, Đồng Nai) và Võ Văn Huy, huy chương đồng IMO 2011 (học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).


Bản đồ thí sinh dự thi Olympic quốc tế 41 năm qua

Xét danh sách trường tạo ra huy chương IMO thì nhà vô địch tuyệt đối là khối chuyên toán A0 thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau này là THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Riêng đơn vị này đóng góp 75 lượt thí sinh tham dự IMO, chiếm gần 1/3. Á quân thuộc về khối chuyên toán Đại học Sư phạm, nay là THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội với 40 suất. Vị trí thứ ba thuộc về THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) với 16 suất.

Theo dòng thời gian thì ở ba kỳ IMO đầu tiên Việt Nam tham gia (1974, 1975, 1976), các suất dự IMO hoàn toàn thuộc về 3 trung tâm đào tạo chuyên toán tại Hà Nội là khối chuyên toán Đại học Tổng hợp, khối chuyên toán Đại học Sư phạm và trường THPT Chu Văn An.

Đến năm 1978, xuất hiện 3 thí sinh đến từ các đơn vị ngoài Hà Nội. Đó là Lê Như Dương đến từ trường Thái Phiên (Hải Phòng), Nguyễn Tuấn Hùng chuyên toán Đại học Vinh và Hồ Đình Duẩn đến từ Quốc học Huế. Cả ba anh đều đạt huy chương đồng tại kỳ thi năm đó.

Hồ Đình Duẩn là thí sinh miền Nam đầu tiên được tham dự IMO (lúc bấy giờ kỳ thi chọn đội tuyển được tổ chức ở 2 nơi: miền Bắc thi ở Hà Nội, miền Nam và Trung thi ở TP.HCM). Anh mở đầu cho loạt thành công của chuyên toán Quốc học Huế với Hồ Đình Duẩn (giải đồng IMO 1978), Lê Bá Khánh Trình (giải vàng IMO 1979), Ngô Phú Thanh (giải bạc IMO 1982), Nguyễn Văn Lượng (giải bạc IMO 1983), Hoàng Ngọc Chiến (giải đồng IMO 1983). Những thành công này gắn liền với 3 thầy giáo Trần Văn Khải, Trần Thanh Thiên và Lê Văn Quang.

Khi dòng thành công của Quốc học Huế dừng lại thì đến một tên tuổi mới, rất trẻ - khối chuyên của Bộ Giáo dục đặt tại trường THPT chuyên Phan Chu Trinh (Đà Nẵng). Đó là Trần Nam Dũng (giải bạc IMO 1983), Nguyễn Văn Hưng (giải bạc IMO 1984), Võ Thu Tùng (giải đồng IMO 1984), Lâm Tùng Giang (giải bạc IMO 1985) và Nguyễn Hùng Sơn (giải bạc IMO 1986). Thành tích này gắn liền với các thầy giáo Lê Hoành Phò, Hồ Xuyên, Ngô Thế Phiệt.

Đến năm 1984, chuyên Lam Sơn Thanh Hóa đạt thành tích IMO đầu tiên với huy chương đồng của Nguyễn Thúc Anh. Chuyên Lam Sơn cùng với chuyên Đại học Vinh không có chuỗi thành tích ấn tượng như Huế và Đà Nẵng, nhưng luôn giữ được nhịp qua các năm. Các thành tích IMO của Lam Sơn gắn liền với thầy Phạm Ngọc Quang.

Đoàn học sinh Việt Nam dự thi IMO 2017. Quốc Huy ngoài cùng bên trái.

1985 là năm duy nhất số thí sinh đến từ phía Nam (tính từ Đà Nẵng trở vào) chiếm quá bán trong thành phần đội tuyển IMO. Năm này trường Nguyễn Văn Trỗi của Khánh Hòa (sau thành trường chuyên Lê Quý Đôn) có hai đại diện trong đội tuyển là Huỳnh Văn Thành (huy chương bạc) và Đỗ Duy Khanh (huy chương đồng). Thành tích này gắn liền với thầy Huỳnh Xưng và Lê Sáng, những người sau này còn đóng góp cho Khánh Hòa một huy chương bạc toán quốc tế của Nguyễn Tiến Việt (IMO 2003).

Những năm tiếp theo, trường THPT chuyên Amsterdam bắt đầu lên tiếng. Khởi đầu từ hai huy chương đồng IMO của Phan Phương Đạt và Phạm Triều Dương ở IMO 1987, đến hai chiếc huy chương bạc của Phan Phương Đạt và Hồ Thanh Tùng ở IMO 1988, và giải đồng của Phan Thị Hà Dương ở IMO 1990, Đỗ Kim Tuấn ở IMO 2011. Năm 2012, có Nguyễn Hùng Tâm, 2016 là Đào Vũ Quang và 2017 có Phạm Nam Khánh đạt giải bạc.

Từ năm 1991 đến 2000 là giai đoạn bùng nổ của khối chuyên toán A0. Kỷ lục được xác lập vào năm 1994 khi A0 Tổng hợp Hà Nội chiếm 5/6 suất dự thi IMO, suất còn lại thuộc về Sư phạm Hà Nội. Các năm 1992, 1995, 1996, 2000 khối này chiếm 4/6 suất. Đây cũng là thời kỳ của những tên tuổi như Nguyễn Chu Gia Vượng, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn, Đỗ Quốc Anh.

Trong giai đoạn này, các tỉnh thành phía Nam gần như vắng bóng. Chỉ đến năm 1999, Trần Văn Nghĩa, học trò của thầy giáo Hoàng Hoa Trại (nay đã mất) ở trường chuyên Lê Khiết mới giúp miền Nam lên tiếng trở lại.

Bước sang thế kỷ 21, bản đồ huy chương IMO bắt đầu trải rộng hơn với sự lên tiếng của các trung tâm mới nổi: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương. Một số tỉnh đã có huy chương toán quốc tế đầu tiên như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh. Giai đoạn này đánh dấu sự trở lại của tên tuổi mới mà cũ như: THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). Từ năm 2005 đến 2014, Đà Nẵng có 5 chiếc huy chương toán quốc tế (3 bạc, 2 đồng), bằng với thành tích của lớp đàn anh giai đoạn 1983-1986.

Đặc biệt giai đoạn này đánh dấu sự góp mặt của một tên tuổi mới là trường Phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM. Bắt đầu dự thi học sinh giỏi vào năm 1995, nhưng phải đến năm 2003, Phổ thông năng khiếu mới có thành tích IMO đầu tiên với huy chương bạc của Nguyễn Đăng Khoa. Những năm sau đó, Phổ thông năng khiếu vẫn dè dặt năm có, năm không và tiếp tục đạt thêm 4 huy chương IMO vào các năm 2005 (Trần Chiêu Minh, giải bạc), 2008 (Đặng Trần Tiến Vinh, giải đồng), 2009 (Phạm Hy Hiếu, giải bạc), 2012 (Trần Hoàng Bảo Linh, giải bạc).

Đến năm 2013-2014, Phổ thông năng khiếu tỏa sáng với 3 huy chương vàng (Cấn Trần Thành Trung, Phạm Tuấn Huy - 2 năm liên tiếp) và một chiếc huy chương bạc (Hồ Quốc Đăng Hưng). 2015 và 2016 mỗi năm Phổ thông năng khiếu đều có một giải bạc.

Như vậy, khởi đầu từ các lớp chuyên thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, đến nay hệ thống trường chuyên đã hình thành rộng khắp cả nước. Bản đồ đơn vị có đóng góp cho thành tích thi toán quốc tế vì thế cũng được trải rộng.


Hoàng Thùy & Nam Dũng  

Theo Vnexpress

» Học sinh Việt Nam giành 4 huy chương vàng Olympic Toán quốc tế

» GS Ngô Bảo Châu chọn nghề cắt tóc khi hướng nghiệp thời phổ thông

» Toán học và Thơ

» Hành trình toán học và những chuyến bay đầu tiên

» GS Ngô Bảo Châu: Việt Nam nhập khẩu nhiều cuộc thi

» Trò chuyện với người được Google “tam cố thảo lư”

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.