Chị Xuân Hồng giữ rất kỹ những lá thư ấy, chúng tôi phải nhiều lần “năn nỉ” chị mới đồng ý cho mượn để trưng bày trong cuộc triển lãm “Học sinh miền Nam trên đất Bắc” nhân kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và chuyển quân, tập kết (1954 - 2024).
Cuộc triển lãm diễn ra tại Bảo tàng TP.HCM và kết thúc cuối tháng 7.2024 sau gần 3 tháng phục vụ công chúng. Nhiều khách tham quan đã bày tỏ sự cảm động khi xem những bức thư Đại tướng Lê Đức Anh gửi con gái. Và nhóm biên tập quyển sách Ký ức không phai sắp ra mắt đã quyết định đưa câu chuyện này vào sách với suy nghĩ những bức thư của cha quả thực là ký ức không phai của chị Lê Xuân Hồng. Đó cũng là một phần trong ký ức không phai của đất nước Việt Nam những năm tháng chiến tranh đằng đẵng, khốc liệt.
Đại tướng Lê Đức Anh và con gái Lê Xuân Hồng. Ảnh: TL
Tháng 2.1968, từ mặt trận Xuân Mậu Thân vô cùng ác liệt ở miền Nam, người cha Lê Đức Anh viết thư cho con gái (trích):
Tháng 2.1968,
Xuân Hồng, con của ba,
Lâu lắm ba chưa nhận được thư của con. Vừa rồi ba mới nhận được bức thư con viết cho ba từ đầu năm 1967. Ba mừng lắm. Mừng nhất là biết con học tập, lao động và đức hạnh đều tốt. Xa con, nhớ con, ba chỉ mong mỏi có thế...
Một bức thư khác của ông viết cho con gái (tên gọi thân mật ở nhà là Bé Ba, đang học đại học tại Liên Xô) trong khoảng thời gian ngắn ngủi ra miền Bắc để trị bệnh:
Hà Nội, ngày 8 tháng 3 năm 1974,
Bé Ba thương mến của ba,
Hôm nay ba mới đọc được thư của con và viết thư được cho con. Con mắt thương tật của ba đã ổn định, cho phép ba đọc và viết chút đỉnh được (...). Con người của ba, một con mắt không nhìn thấy ánh sáng, một con (mắt phải) chỉ còn 3 phần 10. Với 3/10 còn lại của con mắt, ba vẫn trở lại chiến trường tiếp tục góp hết sức mình để giải phóng miền Nam. Ước mong cao nhất của ba là hiến trọn cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ước nguyện thứ hai là các con đều trở thành những đảng viên rất tốt của Đảng, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân…
Năm đầu tiên khi đất nước thống nhất, từ Cần Thơ nơi ông đang công tác với cương vị trung tướng tư lệnh Quân khu 9, ông viết cho con gái còn đang học ở Liên Xô:
Cần Thơ, ngày 4.5.1976,
Xuân Hồng con thân thương của ba,
Nhận được thư con ba rất mừng…Con định vay mượn tiền để hè này về thăm nhà, ba thông cảm với sự nhớ mong của con, nhưng ba lo rồi đây con sẽ phải tằn tiện để trả nợ. Sức khoẻ sẽ giảm sút trong tình trạng khí hậu khắc nghiệt như ở Liên Xô sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự học hành của con, con cố nén thêm vài năm tốt nghiệp xong sẽ về luôn thể con nhé…
Ảnh chụp trang đầu thư tháng 2.1968 Đại tướng Lê Đức Anh gửi con gái Lê Xuân Hồng.
Bức thư cuối cùng trong những bức thư Đại tướng Lê Đức Anh gửi cho con gái mà chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc khá đặc biệt. Nó rất ngắn, không ghi ngày, tháng năm và nơi gửi nhưng có ghi rất rõ ở góc trái đầu thư “Gửi con Lê Thị Xuân Hồng, học sinh trường 11 Kiến An”. Tìm hiểu lại mới biết đó là bức thư ông viết từ nơi hoạt động bí mật ở miền Nam gửi cho con gái mới 13 tuổi đang học ở Kiến An, Hải Phòng năm 1964:
Bé Ba, con yêu của ba,
Ba vừa nhận được thư con, ba mừng lắm. Con cố gắng học cho giỏi, lao động cho giỏi, nết na cho thật tốt thì ba rất mừng, ba rất thương và ba mới yên tâm làm việc…
Một vị chỉ huy quân sự có mặt gần như xuyên suốt ở chiến trường miền Nam trước 1975 mà vẫn dành thời gian viết cho con gái những bức thư thấm đẫm tình cảm cha con như vậy, đáng quý biết bao. Đó là một trong nhiều minh chứng về giá trị tinh thần lớn lao của người Việt, giúp họ vượt qua những gian lao, khốc liệt của cuộc chiến đấu đằng đẵng để đi tới chiến thắng cuối cùng trong hòa bình, thống nhất.
Thanh Nguyễn