Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đối với các khu vực có chứa quặng titan chưa đảm bảo điều kiện khai thác, ảnh hưởng môi trường thuộc Quy hoạch đến năm 2020 xét đến 2030 (do Thủ tướng chính phủ cấp phép năm 2013) mà chưa cấp phép thăm dò, khai thác thì đưa vào khu vực dự trự quốc gia.
Đối với những dự án khai thác titan đã cấp phép, giao UBND tỉnh Ninh Thuận thống nhất với nhà đầu tư để có phương án xử lý phù hợp, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Thủ tướng cũng chấp nhận chủ trương phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tại của cá nước (điện gió, điện mặt trời); đầu tư thủy điện tính năng Bắc Ái; nghiên cứu tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná với quy mô phù hợp.
Đồng thời ưu tiên xây dựng đồng bộ lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện mặt trời, điện gió vào hệ thống điện quốc gia.
Quyết định đồng ý Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ với các dự án điện mặt trời và hạ tầng đấu nối với công suất thiết kế 2000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận triển khai.
Theo kết quả điều tra tiềm năng sa khoáng của Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, Ninh Thuận là một trong những tỉnh có trữ lượng quặng titan lớn với diện tích 43,45 km2, tiềm năng khoảng 17 triệu tấn. Phân bổ chủ yếu tại các dải đồi cát ven biển thuộc huyện Thuận Nam và Ninh Phước.
Trong diện tích có phân bố quặng titan, Chính phủ và UBND tỉnh dự kiến quy hoạch các dự án điện hạt nhân, điện gió, khu du lịch và các dự án xây dựng hạ tầng khác của tỉnh.
* Trong diễn biến liên quan, mới đây Bình thuận đã xin đưa hơn 20.000 ha đất ven biển ra khỏi quy hoạch tiatan, đồng thời đề nghị nâng thời gian dự trữ titan lên từ 50-70 năm.
Khu vực khai thác titan của công ty Đức Cảnh tại Bình Thuận. Ảnh: Lê Quỳnh
Trước đó, theo tờ trình phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với khoáng sản titan vào tháng 7.2018, Bộ Tài nguyên môi trường (TNMT) trình Thủ tướng Chính phủ giữ nguyên 6 khu vực dự trự khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với diện tích 82.500 ha. Thời gian dự trữ khoáng sản titan đến năm 2050.
Tuy nhiên theo UBND tỉnh Bình Thuận, thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia này chỉ 32 năm là không đảm bảo đủ thời gian hoạt động cho vòng đời các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra không đáp ứng được thời gian chấp thuận đầu tư của các dự án (50 - 70 năm) theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai.
Cũng theo đề nghị của UBND Bình Thuận mới đây, đề nghị Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh trước mắt được chấp thuận 49 dự án trong khu vực dự trữ khoáng sản quặng titan phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và danh mục các dự án kêu gọi, xúc tiến đầu tư, đáp ứng các điều kiện theo thông báo số 11 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời đề nghị đối với 10 khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò, qua rà soát nếu các khu vực này có địa hình cao so với các dự án, an toàn khu vực mỏ không cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi vào hoạt động, không đảm bảo nguồn nước để cung cấp cho việc khai thác, tuyển quặng titan... cần phải được điều chỉnh, hoán đổi sang khu vực khác. Việc này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp, phù hợp theo quy định, tránh gây ra khiếu nại về sau.
Tuy nhiên Bộ TN&MT vẫn chưa có ý kiến về việc cho phép triển khai 49 dự án trong khu vực dự trữ theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận .
Bình Thuận không chỉ được quy hoạch là một trung tâm nhiệt điện than lớn nhất Đông Nam Á tại thời điểm khánh thành năm 2012 (nhiệt điện Vĩnh Tân), mà còn được quy hoạch là một trung tâm khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn nhất Việt Nam, với trữ lượng tài nguyên quặng titan được dự báo là 599 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng quặng titan cả nước. Tuy nhiên, thực tế khai thác titan ở Bình Thuận nhiều năm qua đã và đang đặt tỉnh này phải đối mặt với những hệ luỵ môi trường, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển các ngành kinh tế khác…
Người Đô Thị từng có loạt bài về các vấn nạn và khuất tất trong quy hoạch, khai thác titan, cũng như những bất cập trong chính sách với khai thác, chế biến khoáng sản nói chung, titan nói riêng.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận có nhiều địa danh, điểm du lịch nổi tiếng cả nước và thế giới, muốn phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành Trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia theo kết luận của Bộ Chính trị.
Lê Quỳnh