Toán học không chỉ là điểm cao và huy chương Olympic

 20:05 | Thứ hai, 10/12/2018  0
Toán học giống như một con bạch tuộc, nó chạm vào mọi lĩnh vực cuộc sống. Học toán, vì vậy sẽ hướng đến mục tiêu xa hơn chứ không chỉ để thi được điểm cao hay những tấm huy chương...

Thượng tuần tháng 12, Ngày hội Toán học mở lần đầu tới TP.HCM với chuỗi các chương trình nhằm tạo cơ hội cho đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh, các nhà toán học và những nhà giáo dục tới từ nhiều tỉnh thành có dịp cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của toán học.

Và trong “sinh quyển toán” được ban tổ chức kỳ công chuẩn bị, không chỉ trải nghiệm những sân chơi về toán ứng dụng, STEM... được mở ra mà đông đảo mọi người đến với ngày hội còn có dịp được nhìn lại một hành trình thú vị của toán học, được nghe những chuyên gia hàng đầu bật mí thuở “bén duyên” và sống hạnh phúc với toán như thế nào...

1.

Học toán để làm gì? câu hỏi cũng là tâm tư của không ít học sinh và phụ huynh được đặt làm chủ đề của cuộc giao lưu. Tuy nhiên GS-TSKH Hà Huy Khoái lại kịch liệt phản đối bởi đó là “câu hỏi giết chết sự học”. Từ những phân tích của mình, theo nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, thì “học toán là một nhu cầu của con người. Sự học đầu tiên phải là nhu cầu chứ không phải bắt buộc”.

Thích văn, sử nhưng cái duyên đã đưa GS Khoái đến với toán để rồi trải qua một hành trình sống với toán, người thầy của nhiều lứa học sinh đội tuyển thi Olympic toán học quốc tế, rút ra một “tiên đề” tâm đắc của bản thân: “Toán học cho người ta một cách sống là đi đến tận cùng của sự đơn giản. Mà tận cùng của sự đơn giản mới hạnh phúc. Vì vậy tôi thấy tôi hạnh phúc, được sống và làm toán để đi đến sự tận cùng đơn giản nhất.”

Các chuyên gia và khách mời tại toạ đàm của "Ngày hội Toán học mở". Ảnh: Trung Dũng


Tiếp lời GS Khoái, TS Nguyễn Thành Nam - người sáng lập ĐH trực tuyến FUBiX, đưa ra một gợi mở, đó là nên đặt vấn đề làm thế nào để thích học toán? Lăn lộn nhiều năm trên thương trường với FPT, và là dân chuyên toán (từng bảo vệ luận án Tiến sĩ toán tại trường ĐH Lomonosov, Liên Xô), TS Nam “chốt hạ” bằng một câu ngắn gọn nhưng đầy trải nghiệm khiến cả khán phòng cười rộ: “Học toán để mặc cả”.

TS Nam lý giải: “Những người học toán, khi đàm phán mặc cả thường hơn hẳn những người không phải chuyên môn toán. Bởi, khi đưa ra những con số cực kỳ phức tạp thì người ta hoảng, mình thì không bởi đã quá quen với các con số. Thực ra không cần chuyên toán mà chỉ cần giỏi toán thôi là đã nắm lợi thế trong đám phán”.

Bằng diễn ngôn nhẹ nhàng và nhuần nhuỵ, GS Hồ Tú Bảo – người có gần 40 năm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning), cho rằng học Toán sẽ có nhiều cơ hội việc làm, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ số đang diễn ra rầm rộ hiện nay. GS Bảo từng làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) từ 1993 đến 2018. Từ tháng 4.2018, ông là giám đốc phòng thí nghiệm về khoa học dữ liệu tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, đồng thời là giám đốc Viện John von Neumann (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Từ bề dày kinh nghiệm làm việc của mình, ông nhận định: “Chúng ta đang sống trong thời đại số. Khái niệm AI bây giờ người ta nhìn rộng hơn, nhưng cốt lõi là chỗ nào dùng dữ liệu một cách khôn ngoan thì đó là trí tuệ nhân tạo. Mà dữ liệu là những con số. Khối lượng công việc hiện nay liên quan đến toán rất lớn. Nếu vừa có khả năng dùng toán vừa biết công nghệ thông tin, tức có khả năng phân tích dữ liệu thì đó chính là công việc của tương lai”.

GS-TSKH Hà Huy Khoái: "Tôi thấy tôi hạnh phúc, được sống và làm toán để đi đến sự tận cùng đơn giản nhất.”

GS Bảo minh chứng, hiện nay nhân lực về khoa học dữ liệu được đào tạo ở Việt Nam còn hạn chế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội chỉ 40 người, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM 50 người, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội 15 người). Trong khi Hàn Quốc có chiến lược để 5 năm tới có 5.000 người được đào tạo về lĩnh vực này. “Tham gia vào lĩnh vực này, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế so với những nước chưa đào tạo nhiều về toán lý. Vì vậy nếu ai chưa thích toán thì cũng nên thích toán”, GS Bảo nhận định.

Cũng tiếp cận từ góc độ này, trong phần trình bày Toán học trong trí tuệ nhân tạo, GS Nguyễn Hùng Sơn (ĐH Warsaw, Ba Lan) cũng đưa ra một ví dụ đầy sinh động: “Toán học giống như một con bạch tuộc, nó chạm vào mọi lĩnh vực cuộc sống. Vì thế cho nên các em học sinh và phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm. Nếu có khả năng học toán thì nên học. Học toán là nền tảng của các môn khoa học khác”.

2.

“Tiếp thị” toán và gieo tình yêu toán học cho mọi người, tuy nhiên các chuyên gia cũng nhìn thẳng vào thực tế, đó là với nhiều người thấy toán rất dễ nhưng với người khác lại sợ vì khó. Tiêu cực hơn là cách nghĩ chỉ học mỗi môn toán mà bỏ quên những môn học hay những kỹ năng khác.

Nhà giáo Nguyễn Khắc Minh, Phó tổng biên tập Tạp chí Pi, nêu thực trạng: "Với cách học và thi cử hiện nay, ai học cũng thấy quá mệt mỏi với toán vì phải làm những bài tập gồ ghề, đáng sợ, kinh khủng để đến lúc nhìn lại chẳng thấy những cái mình học dùng vào chỗ nào cụ thể trong cuộc đời. Trong khi mọi người cứ thích cái gì nhìn thấy cụ thể, muốn cụ thể hóa mọi chuyện, đòi hỏi mọi chuyện phải tường minh, cuộc sống thì không như thế được".

Ông cho rằng cần phải xóa bỏ trong đầu mỗi người câu hỏi học toán làm gì thì mọi người sẽ tìm đến việc học toán, nếu không sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn mà không biết đi tới đâu: “Chẳng lẽ chúng ta dạy toán cho những người quan tâm đến toán giờ chuyển qua dạy toán cho những người dùng toán? Phải dạy toán làm sao cho người ta không sợ toán nhưng cũng hiểu là học toán không dễ như người ta tưởng”.

Gian hàng STEM với mô hình độc đáo học bằng robot chỉ với "1 đô-la/học sinh" của các giáo viên và học sinh từ huyện Nam Trực, Nam Định. Huyện Nam Trực đã tự tổ chức được Ngày hội STEM lần thứ nhất với tên gọi "Đánh thức trí tuệ làng thời 4.0" với tham gia của tất cả 55 trường học trong huyện theo ba trụ cột của giáo dục STEM: STEM dùng kiến thức SGK, STEM dùng vật liệu tái chế, STEM dùng robot và công nghệ cao. Ảnh: Trung Dũng


Rõ ràng, khơi gợi sự hứng thú, kích thích tinh thần sáng tạo của người học phụ thuộc nhiều vào chương trình cũng như cách dạy của người thầy mà điều này rõ ràng trường ốc đang có những hạn chế. GS Hà Huy Khoái cho hay có nhiều ý kiến cho rằng chương trình môn toán của nước ta rất nặng nhưng khi so sánh với một số nước, ông thấy khối lượng kiến thức học sinh Việt Nam phải học còn thua họ: "Nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy chương trình rất nặng? Vì phần mẹo để giải toán. Các thầy đưa những mẹo vào chương trình và rất tâm đắc, cho rằng nó rất hay nhưng tôi phản đối. Sách giáo khoa toán sắp tới nên được viết theo hướng đưa các yếu tố thực tế, nhiều cái không phải chứng minh phức tạp. Các định lý toán học sẽ đến với học sinh một cách tự nhiên mà không cần chứng minh nữa, để học trò hiểu được bản chất", GS Khoái chia sẻ.

GS Bảo bổ sung: “Số người thực sự có tài năng học toán không nhiều nhưng số đông sẽ phải dùng được toán, như người nông dân dùng được cái cày, cái bừa vậy. Nhưng muốn vậy, công cụ của toán học phải dễ dàng hơn, quan trọng là dạy để hiểu được nghĩa và hiểu được các công cụ của toán học”.

Ông cũng mở ra một vấn đề khác, rất bất cập hiện nay, đó là thực trạng học thiên lệch, học toán là đủ: "Cuộc sống cần phải cân bằng mọi thứ. Rất hiếm người chỉ giỏi môn toán mà không quan tâm vấn đề khác. Ở khía cạnh nào đó, tôi khâm phục nhưng cũng thấy họ thật bất hạnh".

GS Hồ Tú Bảo: "Cuộc sống cần phải cân bằng mọi thứ. Rất hiếm người chỉ giỏi môn Toán mà không quan tâm vấn đề khác."

Đồng tình quan điểm, GS Khoái cho rằng nên xem lại quan niệm thế nào là giỏi toán. Theo nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam nếu nghĩ làm được bài này, bài kia hay có mẹo này mẹo kia, bấm máy tính xoèn xoẹt ra kết quả, được điểm cao là giỏi toán thì không phải: “Giỏi Toán là hiểu được bản chất, những gì nó đem lại. Rất nhiều người học toán nhưng cả đời không dùng số phức, đạo hàm vào việc gì cả. Người thật sự giỏi toán sẽ không thấy khó khăn khi học môn khác. Nếu người học toán nhưng văn kém, không thích lịch sử, tôi không tin đó là người giỏi toán", GS Khoái nhận định.

GS Sơn cũng nêu quan điểm: “Làm trí tuệ nhân tạo, làm khoa học dữ liệu hiện nay là những người phải có đầy đủ các kiến thức không chỉ một ngành mà đa ngành. Những người làm khoa học dữ liệu tốt thì cần phải có kiến thức về tin học, đó là hiển nhiên. Phải có kiến thức tốt về toán học, phải có kỹ năng mềm để nói chuyện với khách hàng. Phải có những khả năng biểu diễn kết quả...”.

Minh hoạ cho nhận định này, bà Thái Thu Hiền - Giám đốc nhân sự của một tập đoàn lớn của Đức, trong vai trò MC của buổi nói chuyện, đã chia sẻ trải nghiệm thực tế, là chứng kiến nhiều kỹ sư ra trường với điểm toán rất cao nhưng lại yếu các kỹ năng mềm. Có thể họ giỏi toán nhưng không giỏi những môn khác: "Mỗi năm, tôi tuyển gần 1.000 kỹ sư rất giỏi toán, điểm cao. Nhưng tôi thấy các bạn bị lệch. Đưa ra các bài toán, phần mềm, họ đều giải quyết được nhưng bảo thuyết minh, chứng minh phương án kinh doanh, gần 70% gặp khó khăn"...

Cùng khám phá, trải nghiệm các ứng dụng của toán học trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Trung Dũng


3. Những thảo luận, phân tích về nhiều khía cạnh học toán và ứng dụng toán còn có thêm nhiều ý kiến từ nhà báo Phạm Hy Hưng - nguyên Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Tiếp Thị (bộ cũ), TS Trần Nam Dũng - Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), PGS TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng trường ĐH Sài Gòn...

Bên cạnh đó là nhiều hoạt động thiết thực dành cho đông đảo học sinh sinh viên, ngày hội tuy lần đầu đến với TP.HCM nhưng đã gợi mở nhiều vấn đề lý thú về toán học mà nói như PGS-TS Lê Minh Hà - giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) thì: “Một trong những công việc mà Viện Toán mong muốn thực hiện là giới thiệu tới công chúng, không chỉ là những học sinh sinh viên đã yêu toán rồi mà còn đối với cả những người có thể chưa nhìn thấy vẻ đẹp của toán, chưa nhìn thấy được tầm quan trọng của toán học.

Năm sau sẽ có thêm ngày toán học mở ở miền Trung, hi vọng sẽ thêm được đông đảo các sinh viên, học sinh cùng đến khám phá vẻ đẹp toán học. Viện Toán  rất mong muốn nhân rộng mô hình này trên cả nước”.

Trung Dũng

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.