Trình UBND TP.HCM phương án tái lập vòng xoay trước chợ Bến Thành và “bùng binh cây liễu”

 10:16 | Thứ ba, 19/07/2022  0
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất UBND TP.HCM chọn phương án 3 với ưu điểm giữ được yếu tố văn hóa đặc trưng của thành phố. Cần thiết kế cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành, nghiên cứu vị trí đặt tượng, phân luồng lại giao thông khu vực hợp lý; tạo không gian mở, quảng trường trước chợ Bến Thành theo đúng định hướng của đồ án 930 ha...

Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa có văn bản 2499 gửi UBND TP.HCM báo cáo công tác thiết kế cảnh quan tổng thể khu vực trước chợ Bến Thành và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (người dân quen gọi “bùng binh cây liễu” - PV).

Khu vực vòng xoay trước Chợ Bến Thành với tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang. Năm 2014 để thực hiện dự án xây dựng nhà ga Bến Thành, thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP.HCM có chủ trương di dời tượng Trần Nguyên Hãn về công viên Phú Lâm và tượng Quách Thị Trang về công viên Bách Tùng Diệp. Việc di dời thực hiện ngày 18.2.2017. Ảnh: T.A.T


Văn bản cho biết, thực hiện Kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về công tác thiết kế cảnh quan và tái lập tuyến đường Lê Lợi, ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành, công tác cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành, ngày 5.7 Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có báo cáo bước đầu về tiến độ đang khẩn trương thực hiện và đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận giao Ban Quản lý đường sắt đô thị tái lập ở mức độ san lấp phẳng mặt bằng tại khu vực trước chợ Bến Thành (vòng xoay Quách Thị Trang hiện hữu);

Không thực hiện tái lập các phần khác như bó vỉa, bồn hoa, vòng xoay và tiểu đảo như hiện trạng trước đây, kèm cách vạch kẻ phân luồng giao thông phù hợp. Sau khi Sở hoàn thành thiết kế cảnh quan khu vực sẽ triển khai thi công theo phương án được UBND Thành phố chấp thuận.

Với 3 phương án được đề xuất, sau khi khảo sát, nghiên cứu, khái quát tổng hợp toàn bộ khu vực (tuyến đường Lê Lợi, ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành, ý tưởng thiết kế công viên 23 tháng 9, phương án chỉnh trang chợ Bến Thành), định hướng theo quy hoạch của đồ án 930 ha, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có phân tích đánh giá ưu nhược điểm từng phương án:

Phương án 1: Tái lập vòng xoay theo hiện trạng cũ.

Ưu điểm: Không có sự biến động, hướng tuyến giao thông giữ nguyên như trước đây; Giữ được yếu tố văn hóa lịch sử đặc trưng của thành phố; Tái lập nhanh, theo đúng tiến độ hợp đồng của Ban Quản lý đường sắt đô thị với nhà thầu.

Nhược điểm: Không đúng với định hướng quy hoạch của đồ án 930 ha, chỉ chỉnh trang được khu vực ở mức độ tạm thời.

Nội dung cần thực hiện: Tái lập theo hiện trạng vòng xoay cũ.

Phương án 2: Thực hiện theo định hướng quy hoạch của đồ án 930 ha.

Ưu điểm: Chỉnh trang đô thị theo đúng quy hoạch được duyệt; Kết nối giao thông, hệ thống ngầm đồng bộ trong khu vực (công viên 23 tháng 9, đường Lê Lợi); Thiết kế cảnh quan tổng thể đồng bộ toàn bộ khu vực; Vẫn giữ được yếu tố văn hóa đặc trưng của thành phố trong bối cảnh hiện đại; Đã có sản phẩm thiết kế từ 2 cuộc thi công viên 23 tháng 9 và đường Lê Lợi.

Nhược điểm:  Thời gian thực hiện kéo dài lâu, kinh phí thực hiện lớn; Cần tính toán giao thông khu vực, phân luồng lại hợp lý, đảm bảo không ùn tắc một số tuyến đường trong khu vực; Cần xây dựng rõ kế hoạch thực hiện theo phân kỳ: thực hiện phần ngầm đồng bộ và sau đó là thiết kế cảnh quan trên mặt đất toàn bộ khu vực; Sẽ có nhiều ý kiến từ cộng đồng, chuyên gia phản biện.

Nội dung cần thực hiện: Thiết kế không gian ngầm, cảnh quan tổng thể khu vực (lấy ý tưởng từ phương án đoạt giải các cuộc thi đã tổ chức); Phân luồng lại giao thông khu vực hợp lý; Tổ chức hội thảo ghi nhận ý kiến đóng góp; Thông qua Hội đồng Tư vấn về kiến trúc TP.HCM; Báo cáo UBND TP.HCM).

Phương án 3: Theo quy hoạch 930 ha (quảng trường trước chợ Bến Thành), có thiết kế lại cảnh quan phù hợp, điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông.

Ưu điểm: Từng bước thực hiện theo đúng định hướng đồ án 930 ha; Cơ bản bước đầu nhanh chóng chỉnh trang khu vực, tạo không gian mở, quảng trường trước chợ Bến Thành theo đúng định hướng của đồ án 930 ha; Vẫn giữ được yếu tố văn hóa đặc trưng của thành phố, ổn định vị trí tượng Trần Nguyên Hãn (bố trí lại khi thiết kế cảnh quan); Quá trình thi công tuyến metro, tâm lý người dân đã quen dần với giao thông khu vực.

Nhược điểm: Chỉ mới tập trung được thiết kế cảnh quan trên mặt đất (phần ngầm thương mại chưa thực hiện); Đến giai đoạn thực hiện ngầm sẽ lại tháo dỡ, rào chắn thực hiện; Nguồn kinh phí thực hiện.

Nội dung cần thực hiện: Thiết kế cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành, nghiên cứu vị trí đặt tượng; Phân luồng lại giao thông khu vực hợp lý, đảm bảo giao thông không ùn tắc; Thông qua Hội đồng Tư vấn về kiến trúc TP.HCM; Báo cáo UBND TP.HCM.

Mặt tiền chợ Bến Thành và một phần công trường Quách Thị Trang đang được tái lập sau khi hoàn thành đường ngầm metro. Ảnh chụp chiều 10.6.2022. Ảnh: Phúc Tiến


Theo đánh giá của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, phương án 3 là phù hợp và khả thi, từng bước thực thi theo đồ án quy hoạch được duyệt nhưng vẫn giữ được không gian văn hóa đặc trưng của thành phố. Khi triển khai thực hiện theo phương án này dự kiến sẽ phân thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 là bước đầu hình thành quảng trường trước chợ Bến Thành: Bố cục mảng xanh tại đảo giao thông, mảng cây xanh dọc trục trung tâm, vị trí đặt tượng, bố cục mặt bằng khu vực quảng trường phục vụ cho các nhu cầu cần thiết; về giải pháp giao thông vẫn giữ một phần hướng tuyến đi từ đường Trần Hưng Đạo vào đường Lê Lợi để đáp ứng nhu cầu kết nối vào khu trung tâm;

Giai đoạn 2 là hoàn thiện theo định hướng quy hoạch, kết nối đồng bộ quảng trường trước chợ Bến Thành và các dự án khác trong khu vực (công viên 23 tháng 9, đường Lê Lợi,...), giải pháp giao thông khu vực theo quy hoạch được duyệt, đã được tư vấn Nikken Sekkei nghiên cứu khi lập đồ án 930 ha đáp ứng năng lực giao thông khu vực.

Ngày 8.7, Sở Quy hoạch — Kiến trúc đã báo cáo Hội đồng Tư vấn về kiến trúc TP.HCM. Hội đồng kết luận:

Hiện nay, công tác tái lập mặt bằng sau khi xây dựng nhà ga metro ngầm là thời điểm phù hợp để bắt đầu thực hiện việc tổ chức khu vực trước chợ Bến Thành theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được duyệt.

Tuy nhiên, việc thực hiện cần phân kỳ để đảm bảo xây dựng các tuyến giao thông ngầm kết nối vào khu vực và xây dựng các công trình xung quanh phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại, đồng thời là cơ sở để triển khai các bước tiếp theo một cách hiệu quả thuận lợi.

Tổ chức giao thông hợp lý theo hướng giảm bớt lưu lượng giao thông (nhất là hướng dọc Lê Lợi về ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ đã có nghiên cứu hình thành khu vực đi bộ).

Các công trình kiến trúc và tượng đài gắn với hình ảnh khu vực và ký ức người Sài Gòn - TP.HCM cần được gìn giữ, nghiên cứu bố cục hợp lý trong không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.

Hội đồng đánh giá trong các phương án đề xuất, phương án 3 do Công ty TA Lansdcape nghiên cứu về định hướng kiến trúc cảnh quan, giao thông là phương án hợp lý nhất. Tuy nhiên, về giao thông, cần nghiên cứu đề xuất cụ thể các tuyến giao, các đảo giao thông, làm cơ sở tổ chức không gian kiến trúc, thiết kế đô thị, bố trí các mảng cây xanh - thảm cỏ, hoa, bố trí tượng đài,... để phương án được hoàn thiện hơn.

Hội đồng đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và đơn vị tư vấn lập phương án cụ thể các vị trí, hình dáng các đảo giao thông, quảng trường, lộ giới các tuyến đường; đề xuất vị trí tượng đài Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang, nghiên cứu cụ thể về ý tưởng tổ chức không gian, ưu tiên tượng đài Trần Nguyên Hãn ở khu vực kết thúc trục Lê Lợi tại quảng trường để báo cáo UBND TP.HCM xem xét quyết định.

Tổng hợp ý kiến của Hội đồng Tư vấn về kiến trúc TP.HCM và thành viên Tổ công tác đại diện lãnh đạo các sở ngành, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất UBND TP.HCM:

Chấp thuận phương án 3 theo báo cáo của đơn vị tư vấn Công ty T.A Lansdcape, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục triển khai hoàn thiện thiết kế chi tiết và thi công, nghiên cứu cụ thể thêm về ý tưởng tổ chức không gian cho khu vực, như: các bố cục mảng xanh tại đảo giao thông, mảng cây xanh dọc trục trung tâm, vị trí đặt tượng, bố cục mặt bằng khu vực quảng trường phục vụ cho các nhu cầu cần thiết;

Giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp đề xuất phương án tổ chức giao thông kết nối, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực;

Giao Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật làm chủ đầu tư, phối hợp Ban Quản lý đường sắt đô thị, UBND Quận 1 thực hiện thi công chỉnh trang khu vực, báo cáo UBND TP.HCM về kinh phí và nguồn vốn thực hiện.

“Bùng binh cây liễu” trước và sau khi bị san phẳng tháng 4.2016. Ảnh: Tư liệu - Phúc Tiến


Đối với phương án thiết kế giao thông tại giao lộ đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi (“bùng binh cây liễu”- PV), văn bản của Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, cùng với định hướng quy hoạch mạng lưới lưu thông được duyệt, khu lõi trung tâm thương mại tài chính (Phân khu 1- theo đồ án quy hoạch khu trung tâm 930 ha), đặc biệt khu vực trục đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, vòng xoay Quách Thị Trang, công viên 23 tháng 9 sẽ trở thành khu vực dành nhiều không gian cho người đi bộ, thương mại sầm uất.

Trục đường Lê Lợi sẽ tiếp nối dự án trục đi bộ Nguyễn Huệ, chuyển thành các phố thương mại, mua sắm.

Vị trí giao lộ đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi hiện nay là đài phun nước nghệ thuật, được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa sự gia tăng các hệ thống giao thông công cộng và sự hình thành phát triển không gian đi bộ, đô thị một cách hài hòa.

Đài phun nước nghệ thuật khánh thành từ tháng 11.2019 bước đầu đã đóng góp thêm các không gian công cộng và điểm đến hấp dẫn cho người dân thành phố, du khách.

Hiện nay, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Giao thông Vận tải đang nghiên cứu phương án tái lập nút giao thông tại đây. Nếu Sở tính toán tổ chức giao thông tại đây theo phương án tổ chức vòng xoay, về mặt kiến trúc sẽ có các công tác cần thực hiện:

Hạ trụ ngăn xe xuống để lưu thông; di dời các khối đá, bồn bông xung quanh đài phun nước; làm lề đá cao 15 cm xung quanh vòng xoay phun nước và vùng đệm với bán kính phù hợp (không làm ảnh hưởng hồ chứa nước ngầm bên dưới) để người dân có thể tiếp cận với đài phun nước nghệ thuật; mặt đường đá giữ nguyên theo hiện trạng (trước đây đã tính toán độ dốc và khả năng chịu tải cho xe đi bên trên).

“Tuy nhiên, trong trường hợp này để cảnh quan khu vực đạt được tính thẩm mỹ kiến trúc cao, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất giao cho đơn vị tư vấn Công ty T.A Lansdcape có nghiên cứu phương án thiết kế cụ thể phù hợp kiến trúc cảnh quan khu vực theo phương án giao thông đã được Sở Giao thông Vận tải tính toán nghiên cứu”, Văn bản của Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất.

Minh Hoàng

Liên quan đến chỉ đạo ngày 30.5.2022 của UBND TP.HCM về việc xem xét tái lập khu vực bùng binh trước Chợ Bến Thành với tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang, từ năm 2018, Người Đô Thị đã đăng tải nhiều bài viết của tác giả Phúc Tiến nhận diện những giá trị di sản, lịch sử của khu vực Chợ Bến Thành và đề nghị tại khu vực quảng trường trước Chợ Bến Thành cần kiên quyết dựng lại tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang:

- Công viên quảng trường trước cửa Bắc của Chợ Bến Thành vào những năm 1940-1950 là chợ hoa Tết của Sài Gòn, trước khi dời về đường Nguyễn Huệ. Quảng trường thời Pháp mang tên Cuniac - một thị trưởng của Sài Gòn, sau năm 1955 đổi tên Diên Hồng.

Vào tháng 3.1950, một cuộc biểu tình lớn chống thực dân đế quốc đã diễn ra trước cổng Chợ. Vào cuối năm 1963, sau khi xảy ra sự kiện cô Quách Thị Trang bị bắn chết trong một cuộc biểu tình chống độc tài diễn ra tại đây, quảng trường được mang tên nữ sinh này. Từ năm 1966, công viên quảng trường có thêm tượng đài tướng Trần Nguyên Hãn - anh hùng chống quân Minh, tô điểm thêm nét lịch sử, hài hòa với khung cảnh thương mại... (Xem tại đây).

- Đề nghị Nhà nước công nhận không chỉ Chợ Bến Thành mà toàn bộ các khu phố chung quanh và quảng trường Quách Thị Trang là khu phố di sản văn hóa - lịch sử! Các nhà quy hoạch, các nhà đầu tư thay vì đập bỏ ký ức vàng của quá khứ, thay vì “sáng tạo” những khối nhà bê tông và sắt thép nặng nề hay hào nhoáng, hãy dành con tim và khối óc cho việc khám phá, giữ gìn và phát huy di sản hay đẹp của tiền nhân ngay trên vùng đất xưa thiêng liêng này... (Xem tại đây)

- Riêng công viên Quách Thị Trang, tượng đài Trần Nguyên Hãn cùng cây xanh và các công trình công cộng quanh các nhà ga metro, cầu trên bộ, cầu qua sông và kênh rạch, rất cần được tái lập hoặc tôn tạo, một cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại... Sau khi hoàn tất nhà ga metro, ở khu vực quảng trường phía trước Chợ Bến Thành, cần kiên quyết dựng lại tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang... (Xem tại đây)

-  Từ “bùng binh cây liễu” đến công trường Quách Thị Trang: Phục dựng “nhan sắc” trung tâm phố thị Sài Gòn.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.