Những ngày qua, tại các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk… liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụp lún đất. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS-TS. Bảo Huy - nhà nghiên cứu độc lập về tài nguyên và môi trường rừng, nguyên giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên.
. Phóng viên: Các vụ sạt lở đất ở Tây Nguyên năm nay có tần suất dày hơn những năm trước, nhất là ở khu vực không có rừng nguyên sinh, trên đồi núi, nơi có nhiều công trình xây dựng. Nguyên nhân do đâu, thưa giáo sư?
GS-TS Bảo Huy. |
- GS-TS. Bảo Huy: Sạt lở đất trên vùng đồi núi dốc lớn do nhiều nguyên nhân, như: lượng mưa cao tập trung trong thời gian ngắn, trên địa hình quá dốc, chiều dài dốc ngắn.
Quan sát cho thấy tình trạng sạt lở đất ở các tỉnh Tây Nguyên vừa qua xảy ra tại những khu vực không còn rừng. Khi rừng bị chặt phá, đất để trống hoặc trồng rừng đơn loài với cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp đã làm thay đổi thảm phủ thực vật, dẫn đến mất khả năng giữ đất, gây sạt lở.
Một nguyên nhân nữa là do con người đã tác động lên mặt đất. Khi đào bới dưới chân đồi, núi để làm đường, làm nhà, hồ chứa nước sẽ tạo ra những mái ta-luy cao vút. Điều này tác động về mặt vật lý, địa chất của đất, gây sạt lở.
. Giáo sư có thể phân tích sâu về vai trò của rừng tự nhiên trong việc chống xói mòn, sạt lở đất?
- Như đã nói ở trên, để chống xói mòn, sạt lở đất tại địa hình dốc, nơi có lượng mưa cao đột ngột, tập trung thì giải pháp tốt nhất vẫn là rừng tự nhiên.
Rừng tự nhiên nhiệt đới có sự đa dạng loài thực vật, gồm cây thân gỗ, cây bụi, thân thảo, dây leo... Tương quan với số tầng tán lá bên trên thì hệ rễ thực vật cũng phát triển sâu, rộng. Các tầng tán lá trước hết ngăn cản nước mưa rơi xuống trực tiếp mặt đất, làm giảm dòng chảy mặt đột ngột, chống dòng chảy mặt mạnh, chống lũ quét. Hệ rễ giúp điều hòa nước, như giữ nước vào mùa mưa, sinh nước vào mùa khô và giữ đất, chống xói mòn.
Trong khi đó, các khu rừng trồng mọc nhanh đơn loài, cây công nghiệp là những kiểu thảm thực vật một tầng tán, một tầng rễ, không đáp ứng được các chức năng đặc biệt về thủy văn, chống xói mòn, sạt lở như rừng tự nhiên. Việc chặt phá rừng tự nhiên đã gây ra nhiều nguy cơ, trong đó có sạt lở đất, lũ quét, hạn hán, đất đai suy thoái, biến đổi khí hậu.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông được xây dựng bên sườn đồi, đang xuất hiện vết nứt lớn, nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: Cao Nguyên
. Quan điểm của giáo sư như thế nào về việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương những năm qua?
- Vấn đề cân đối quy hoạch để duy trì diện tích rừng tự nhiên và chuyển đổi một phần để lấy đất cho canh tác là cần thiết trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong hơn 2 thập kỷ qua, việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp, trồng rừng đơn loài được tiến hành hợp pháp hoặc tự phát không có quy hoạch diễn ra quá lớn.
Cùng với đó là việc khai thác gỗ, lâm sản quá mức, không thể kiểm soát đã làm diện tích rừng tự nhiên thu hẹp nhanh chóng và đa phần bị suy thoái. Với những giá trị của rừng tự nhiên thì hiệu quả mang lại từ các loài cây canh tác ngắn ngày, cây công nghiệp đơn loài không bù đắp được, về lâu dài còn gây ra các thảm họa sinh thái, môi trường.
Diện tích rừng tự nhiên còn lại của nước ta tại vùng đồi núi đang ở mức thấp, có thể xem dưới mức an toàn sinh thái. Vì vậy, cần chấm dứt ngay việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang canh tác, trồng rừng đơn loài hay một vài loài. Cho dù rừng tự nhiên đã suy thoái, nghèo kiệt về lâm sản thì vẫn còn có khả năng phục hồi được các chức năng sinh thái vốn có.
. Ngoài sạt lở đất, những năm gần đây còn xảy ra tình trạng lũ lụt ở nhiều nơi. Hiện nay, chúng ta đã thực hiện việc quản lý lưu vực hồ đập, sông suối như thế nào, thưa giáo sư?
- Trong quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hầu như chúng ta chưa có quy hoạch lưu vực sông suối, đầu nguồn hồ đập… Về lâm nghiệp, dù đã xác định diện tích rừng phòng hộ ven sông suối nhưng đó chưa phải là quy hoạch để quản lý lưu vực bền vững.
Quy hoạch lưu vực là xét trên toàn diện tích lưu vực, trong vùng sinh thủy cho sông suối, hồ đập, bao gồm không chỉ trên đất lâm nghiệp mà còn cả nông nghiệp, đất đai khác. Trong đó, việc quy hoạch sử dụng đất, duy trì, hình thành các thảm phủ thực vật khác nhau cho nông - lâm nghiệp cần căn cứ vào mức độ nguy cơ, xung yếu trên từng diện tích của lưu vực.
Khu vực sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng mới đây - bên trên là vườn sầu riêng. Ảnh: Trường Nguyên
Nơi có lượng mưa cao, địa hình dốc lớn, kết cấu đất dễ bị xói mòn, sạt lở, lũ quét, nơi cần điều hòa nước cho mùa khô…. gọi là vùng có nguy cơ cao, vùng xung yếu của lưu vực. Những vùng này cần có thảm phủ rừng tự nhiên nhiệt đới đa dạng loài thực vật, nhiều tầng tán lá, nhiều tầng rễ, rễ lan rộng. Ngược lại, các vùng khác có thể canh tác cây ngắn ngày, cây công nghiệp, trồng rừng đơn hoặc một vài loài.
Để thực hiện quy hoạch lưu vực theo cấp nguy cơ, xung yếu, với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay thì có thể dễ dàng làm được một cách chính xác. Theo đó, sử dụng công nghệ GIS (geographic information system) giúp quy hoạch không gian trên cơ sở chồng ghép các lớp bản đồ. Từ đó, phân loại và sắp xếp được các vùng nguy cơ cao - cần duy trì hoặc phục hồi rừng tự nhiên, vùng nguy cơ thấp - làm nông lâm cho một lưu vực cụ thể.
Sụp lún, sạt lở dồn dập ở Tây Nguyên
Thời gian qua, hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng đã liên tiếp xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên.
Điển hình là vụ sạt lở đất tại phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào sáng sớm 29.6 khiến 2 người tử vong, một số công trình, nhà ở trong khu vực bị ảnh hưởng. Tiếp đó, chiều 30.7, đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng xảy ra sạt lở làm 3 CSGT hy sinh và 1 người dân tử vong. Cũng tại Lâm Đồng, những ngày qua còn xảy ra nhiều vụ sụp lún đường, sạt lở ở khu dân cư.
Tại Đắk Nông, đêm 31.7 và rạng sáng 1.8, trên địa bàn buôn Bu Krắc, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức bất ngờ xảy ra tiếng nổ lớn dưới lòng đất, sau đó xuất hiện nhiều vết nứt chạy dài trong khu dân cư. Chính quyền địa phương đã phải tổ chức di dời hàng trăm người dân.
Ngày 1.8, đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông xảy ra sụp lún nghiêm trọng. Đến nay, các vết nứt tiếp tục rộng hơn 30-50 cm, chỗ sụt lún sâu gần 3 m. Chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân sống trong khu vực sạt lở.
Tình trạng sạt lở ở Đắk Nông tiếp tục đáng lo ngại khi hồ thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) xuất hiện nhiều vết nứt đất lớn, chạy dài. Áp lực đất từ quả đồi tác động gây nứt gãy, dịch chuyển tràn xả lũ của hồ chứa 1,2 triệu m3 nước, gây nguy cơ vỡ đập.
Ngoài các điểm trên, những ngày qua, Đắk Nông còn ghi nhận nhiều khu vực, đường sá, nhà máy thủy điện bị sạt lở, sụp lún đất nghiêm trọng và 2 người dân tử vong do mưa lũ.
Tại tỉnh Đắk Lắk, tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo cũng xảy ra sạt lở, sụp lún nhiều vị trí. Trong đó có vị trí mặt đường bị sụp lún một bên dài khoảng 25 m, tạo thành hố sâu. Tuyến tránh này dài hơn 23 km, có tổng mức đầu tư hơn 503 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư. Hiện cơ quan chức năng đã khắc phục tạm thời để phương tiện lưu thông 2 chiều...
11 người chết và thương vong do mưa lũ, sạt lở đất
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên và Nghệ An, mưa lớn, sạt lở đất từ ngày 2 đến 6.8.2023 đã làm 8 người chết, trong đó 4 người do lũ cuốn, 4 người do sạt lở đất đá và 3 người bị thương.
Mưa lũ cũng khiến 24 nhà sập, 128 nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng. Các địa phương Lai Châu, Sơn La đã tổ chức rà soát, huy động lực lượng di dời 32 hộ khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
Mưa lớn cũng gây sạt lở nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ 4H, 279D, 32, 6, 70, 543D, 7A và nhiều tuyến tỉnh lộ, giao thông địa phương. Chính quyền các địa phương, đơn vị quản lý đã tổ chức rào chắn cảnh báo, phân luồng giao thông và khắc phục bước 1; riêng quốc lộ 279D, 32 địa bàn Sơn La, Yên Bái chưa thông xe.
Văn Duẩn
Cao Nguyên thực hiện