Trong một nghiên cứu năm 2019 do các thành viên khoa Khoa học trái đất và môi trường, Đại học Queensland (Úc) thực hiện, khảo sát các đối tượng sử dụng giao thông công cộng (GTCC) tại các nước Bắc Mỹ, Bắc Âu, Úc và một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ. Họ đã phát hiện ra một số kết quả nghiên cứu ấn tượng.
Tiến sĩ (TS.) Dorina Pojani, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết bà rất ngạc nhiên khi phát hiện có nhiều quan điểm khác nhau về việc sử dụng GTCC. “Nhìn chung, chúng ta cứ nghĩ giới trí thức và doanh nghiệp khá giả ở Mỹ và phương Tây thường có xu hướng thích sử dụng xe hơi riêng và không thiện cảm với phương tiện GTCC. Nhưng nghiên cứu đã cho kết quả khác. Giới này ở Trung Quốc và Ấn Độ mới có thái độ tiêu cực đối với GTCC. Họ cho rằng việc đi xe buýt có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ công việc hay thậm chí chuyện… hôn nhân của mình”, TS. Pojani nói và cho rằng thái độ đó sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển phương tiện GTCC dù các kỹ sư có cố gắng cải thiện sự tiện lợi của hệ thống này đến thế nào đi chăng nữa.
Các học giả của nghiên cứu kết luận, phương tiện giao thông - như xe buýt, xe hơi hay xe máy - có ý nghĩa biểu tượng đối với một cá nhân, thể hiện vị trí xã hội hay đặc điểm nhận dạng của một con người. Về mặt chi phí đi lại, việc một người lựa chọn phương tiện giao thông nào sẽ liên quan đến việc họ được mọi người nhìn như thế nào. Theo TS. Pojani, một số người sợ bị đánh đồng với người nghèo nếu chọn đi xe buýt.
Đông đảo người dân TP.HCM hào hứng trải nghiệm chuyến chạy thử của Metro số 1 vào cuối tháng 4.2023. Ảnh: Vietnamdaily
Quay lại câu chuyện metro, tôi cho rằng việc lựa chọn phương tiện này sẽ phụ thuộc vào thói quen hay văn hóa đi lại của người Việt. Có thể giai đoạn đầu người ta sẽ tò mò và thử nghiệm phương tiện này. Nhưng về sau thì sao? Liệu họ có còn sử dụng phương tiện này để di chuyển hàng ngày?
Phần đông người Việt có thói quen sử dụng xe máy cá nhân bởi sự tiện lợi, linh hoạt và cơ động. Đó là chưa kể một số vấn đề mà metro có thể gặp phải như tính kết nối với các phương tiện GTCC khác kém, chi phí không vừa túi tiền người dân... Sự thiếu kết nối giữa metro với các phương tiện công cộng khác sẽ cản trở việc lựa chọn metro. Thật khó tưởng tượng cảnh chúng ta phải đi bộ giữa trời nắng nóng hay mưa sa để có thể đến một trạm xe buýt cách xa metro để tiếp tục hành trình.
Một đề tài nghiên cứu khoa học do trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM thực hiện năm 2021, khảo sát trên 100 sinh viên (SV) là những đối tượng tiềm năng của tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), cho thấy nhiều SV quan tâm đến sự ra đời của tuyến metro này. Có đến 40,2% SV rất quan tâm và 25,8% quan tâm. Tuy nhiên, các bạn cũng tỏ ra quan ngại một số yếu tố như khoảng cách di chuyển đến trạm khá xa, không linh động giờ giấc và vấn đề chi phí.
Ngoài ra, để khuyến khích người dân lựa chọn metro, nhà quản lý cần thực hiện hiệu quả các yếu tố như cung cấp chính xác thông tin về lộ trình, thời gian hoạt động, thời gian đến và đi giữa các trạm, tính kết nối với các công trình tiện ích khác như tạo thêm không gian tiện nghi, mua sắm… hoặc đơn giản chỉ là một chỗ ngồi để đọc sách, nghỉ ngơi trong thời gian chờ đợi. Chính sách trợ giá cho người dân (nếu có) không chỉ dừng lại ở việc trợ giá đối với việc sử dụng phương tiện metro mà cần có chính sách quy hoạch các bãi giữ xe và cũng cần quản lý việc thu phí gửi xe.
Hình ảnh người dân đi tàu điện ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Trung Dũng
Bên cạnh đó, văn hóa đi tàu điện phải kể đến một số nước như: Nhật, Singapore hay Hà Lan, Pháp, Đức... Khi đến Nhật, chúng tôi rất ấn tượng bởi văn hóa sử dụng phương tiện này, nhất là vào giờ cao điểm hay tan tầm. Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, trung bình các công ty tàu điện lớn của Nhật chuyên chở khoảng 12,33 triệu người/ngày trong năm 2021. Riêng ga Shinjuku chứa 3,6 triệu hành khách/ngày, ga Shibuya với 3 triệu hành khách/ngày và ga Ikebukuro tiếp nhận 2,5 triệu hành khách/ngày.
Dù các nhà ga xe điện tại Nhật như Shinjuku, Shibuya, Ikebukuro… luôn đông nghịt người xếp hàng chờ đến lượt, nhưng những tiếng chuông lảnh lót vui tai khi tàu sắp đến và ý thức cùng nhau “ai đến trước lên trước” đã làm nhẹ lòng mọi người sau một ngày làm việc căng thẳng.
Như nhận định của TS. Pojina, không còn cách nào hơn là phải thay đổi tư duy để chuyển sang sử dụng GTCC. Đó là góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả chúng ta trong một thế giới mà vấn đề hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, sự mất đi của tài nguyên không tái tạo ngày một tăng nhanh và tác động đến sức khỏe con người, nhất là trong những đại đô thị như Thượng Hải, New Deli hay TPHCM của chúng ta.
TS. Sơn Thanh Tùng (Trưởng bộ môn Quản lý Đô thị và dự án, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM)